Thị trường đầu lân truyền thống: Rục rịch chuẩn bị đón Tết Trung thu

01:08, 07/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù còn khoảng hai tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng không khí tại các cơ sở sản xuất đầu lân truyền thống đã hối hả, tấp nập. Hàng trăm đầu lân đã hoàn thành chuẩn bị cung ứng đến khắp các nơi trong và ngoài tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Hối hả vào mùa

Cùng với Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu thì Trung thu cũng được xem như là một trong những cái Tết ý nghĩa, đáng nhớ trong năm. Mỗi lần sắp đến Trung thu, không chỉ trẻ con mà người lớn cũng háo hức mong chờ theo tiếng trống “tùng... dinh... dinh” từ đằng xa, báo hiệu những con lân rực rỡ, đầy sắc màu với các điệu múa uyển chuyển, điêu luyện.

Còn đối với những cơ sở làm nghề đầu lân truyền thống thì “không khí Trung thu” đã đến từ nhiều tháng trước. Mỗi năm chỉ nghỉ những tháng mùa mưa, còn lại vừa xong tháng Giêng là những người thợ đã bắt tay vào thực hiện các công đoạn làm đầu lân. Giai đoạn cao điểm của làm nghề là trước dịp Trung thu từ một đến hai tháng.

 

Nhiều đầu lân đã được hoàn thành để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Nhiều đầu lân đã được hoàn thành để đáp ứng nhu cầu khách hàng.


Tại ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Đức Đoàn, nơi làm đầu lân truyền thống ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), những người thợ đang tất bật, khẩn trương hoàn thành số lượng lớn các đầu lân. Anh Đoàn cho biết, ngoài bỏ mối tại các đại lý quen thuộc trong tỉnh, gia đình anh còn thực hiện các đơn hàng đến từ các tỉnh Phú Yên, Gia Lai. Số lượng đầu lân hoàn thiện trong thời gian qua khoảng hơn 200 cái, tính đến Trung thu sẽ có khoảng thêm chừng ấy đầu lân hoàn thành.

Cạnh nhà anh Đoàn là địa điểm làm đầu lân của người anh trai Nguyễn Đức Dân. Chị Đinh Thị Kiều Hoa, vợ anh Dân đang ngồi tỉ mẩn dán từng đường keo cho tai lân cho hay, để hoàn thành một chiếc đầu lân thì phải trải qua nhiều công đoạn và tốn nhiều thời gian. Do đó, để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì các cơ sở làm đầu lân truyền thống phải tất bật làm việc từ nhiều tháng trước.

Hiện nay, đang là thời gian cao điểm của nghề nên nhân công làm việc cho gia đình anh Dân, chị Hoa cũng đang hối hả hoàn thành các đầu lân để khoảng mười ngày sau là chở đến các địa lý.

Còn cơ sở sản xuất lân sư rồng Đức Toàn Lân của anh Nguyễn Đức Toàn từ nhiều năm nay đã mở rộng thị trường tiêu thụ đến khắp các tỉnh từ Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai... Anh Toàn giới thiệu, xếp theo thứ tự thì lân được chia làm ba loại, đó là lân chúng (lân nhỏ), lân trung và lân đại (lân lớn). Giá đầu lân nằm trong khoảng từ 100 - 600.000 ngàn đồng/cái. Có loại lân đặc biệt giá lên đến hơn một triệu đồng. Chỉ tay về một cái đầu lân to được làm có hai màu vàng - đỏ, anh Toàn cho biết đó là lân âm dương được làm theo đơn đặt hàng nên có giá cao hơn so với lân cùng cỡ.

Điều đặc biệt và thú vị đó là các cơ sở làm đầu lân thủ công truyền thống tại xã Nghĩa Hòa đều là các anh em ruột. Hơn 20 năm theo nghề làm đầu lân, anh Toàn cho biết thêm đại gia đình anh là nơi duy nhất trong tỉnh làm nghề này do cha anh, ông Nguyễn Tô từng có 45 năm làm nghề truyền lại cho những người con. Vào mùa Trung thu, mỗi cơ sở làm đầu lân truyền thống sản xuất khoảng 500 đầu lân, tổng cộng có hơn 1.500 đầu lân cung ứng đến khắp các nơi.

Tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi

Anh Đoàn cho biết, khâu quan trọng nhất là công đoạn “đắp cốt” cho đầu lân. Nguyên liệu “đắp cốt” chủ yếu bằng giấy, kết dính với nhau bằng một loại hồ được làm từ bột mì, keo trộn với nước lạnh rồi nấu lên. “Cái khó nữa là phải chọn tre, mây kỹ càng để làm sườn đắp cốt. Các đầu lân lớn chuyên múa khai trương, động thổ, khánh thành thì sườn đầu lân phải làm bằng mây dẻo, đắt tiền hơn. Còn các đầu lân nhỏ hơn thì phải chọn loại tre già, mắt thưa mới đủ độ dẻo, dai để làm sườn”, anh Toàn chia sẻ.

Nghề làm đầu lân truyền thống cần rất nhiều nhân công bởi phải thực hiện nhiều công đoạn bằng thủ công. Để làm ra một đầu lân, mỗi người phải đảm nhận từng công đoạn tỉ mỉ, trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ để những con lân đầy màu sắc vừa giữ được “cái hồn” của lân vừa giữ được sự cứng cáp, vững chãi của đầu lân sau bài múa. Nhờ đó mỗi cơ sở làm đầu lân truyền thống giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương, trong đó có nhiều em học sinh tranh thủ thời gian nghỉ hè đến làm các công đoạn như đắp vải, dán rua, dán lông vũ... Những công việc này vừa phù hợp với độ tuổi, vừa giúp các em phụ giúp thêm cho gia đình.     
  

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.