Một số mặt hàng thiết yếu: Giá vẫn ổn định

09:08, 24/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có thể nói, chưa có lúc nào mà giá các mặt hàng thiết yếu lại ổn định như thời điểm hiện nay. Việc tỷ giá ngoại  tệ biến động; xăng, dầu liên tiếp giảm… đã có những thuật lợi nhất định đến việc triển khai các biện pháp bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm trên thị trường.

Từ 15 giờ ngày 19.8, Liên bộ Công thương - Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh giảm giá bán lẻ xăng RON 92 và xăng E5 là 768 đồng/lít. Theo đó, giá bán lẻ xăng RON 92 không được cao hơn giá cơ sở 18.536 đồng/ lít, xăng E5 không vượt quá 18.041 đồng/lít. Dầu diesel 0.05s cũng giảm 441 đồng/lít và không cao hơn 13.421 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 736 đồng/lít, không vượt quá 10.136 đồng/kg. Đây là lần giảm thứ 4 liên tiếp của giá xăng dầu.

Người tiêu dùng mua hàng bình ổn giá của doanh nghiệp, đưa về nông thôn phục vụ.
Người tiêu dùng mua hàng bình ổn giá của doanh nghiệp, đưa về nông thôn phục vụ.


Tính tổng cộng, từ đầu năm đến nay, giá xăng RON 92 đã trải qua 5 lần giảm, tổng cộng 3.620 đồng và 4 lần tăng, tổng cộng 5.040 đồng. Tuy tổng giá giảm không bằng giá tăng, song tính cả một chu kỳ dài từ năm 2014 đến thời điểm hiện nay, xăng, dầu đã giảm khoảng 8.000 đồng/lít.

Một quy luật tất yếu của thị trường tại Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng khi xăng, dầu giữ vững giá luôn kéo theo giá các mặt hàng thiết yếu ổn định. Cuộc sống thường nhật của người dân ít còn phải nghe điệp khúc: “Xăng tăng thì cá, thịt, rau củ quả… cũng tăng!”.

Đảo qua một vòng tại các chợ lớn trong nội ô TP.Quảng Ngãi và siêu thị, các mặt hàng lương thực, thực phẩm được các chủ quầy sạp và giám đốc siêu thị khẳng định: Giá không tăng, thậm chí còn giảm nhẹ. Thịt heo loại 1 từ tết đến giờ vẫn ở mức 85.000 đồng  -  90.000 đồng/kg; thịt bò từ 230.000 đồng - 270.000 đồng/kg.

Đối với cá biển, khi giá xăng, dầu giảm đã có nhiều thuận lợi cho hoạt động đánh bắt của ngư dân nên giá đương nhiên có phần “mềm” hơn. Dù có chút biến động vào thời tiết như khi biển động, việc cung ứng cá biển tươi giảm, nhưng so với cả một chuỗi dài thì giá cá biển biến động không đáng kể.

Xăng, dầu giảm giá, việc chi phí hoạt động của doanh nghiệp cũng giảm đáng kể và để tăng sức cạnh tranh, doanh nghiệp đã lấy phần cắt giảm chi phí từ xăng, dầu để giảm giá bán ở mức hợp lý nhất.

Tại các siêu thị trong tỉnh, giá các mặt hàng thiết yếu từ dầu ăn, mắm cho đến các mặt hàng sữa, đường, gạo đều liên tiếp giảm nhẹ. Ông Lê Hồng Ca – Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn –  Quảng Ngãi cho biết: “Siêu thị liên tục tổ chức chương trình khuyến mãi như giảm giá bán, bán hàng kèm tặng phẩm để kích cầu tiêu dùng do một số mặt hàng được giảm giá từ khâu nhập hàng”.

Bên cạnh đó, việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian qua luôn được giữ vững còn bởi các chính sách quản lý nhà nước về thị trường.

 Hàng loạt các biện pháp quản lý giá bằng cách siết chặt niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết; tăng cường chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn vào thị trường. Hoạt động này không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Nguyễn An - Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định: Thị trường hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu từ đầu năm đến nay dường như không có sự biến động, kể cả trong dịp mua sắm cao điểm lễ, tết. Đó là tín hiệu tốt cho thị trường, tạo điều kiện để người dân mua sắm, cải thiện cuộc sống.

Về việc tỷ giá ngoại tệ biến động, đặc biệt là tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm, thực tế chưa gây ra tác động nào lớn đối với thị trường trong tỉnh. Mặc dù các mặt hàng nông sản của Quảng Ngãi khi xuất khẩu chủ yếu vẫn là Trung Quốc, nhưng các doanh nghiệp cho biết, hoạt động xuất khẩu hàng hóa vẫn diễn ra bình thường.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.