"Làm cho kỹ, tính cho sâu"

10:08, 25/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là kinh nghiệm của những hộ nông dân đã có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp. Đối với họ, để chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả thì phải linh hoạt áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế, đồng thời có kế hoạch sản xuất cụ thể, tính toán kỹ lưỡng nhất là về nguồn giống và đầu ra của sản phẩm.

Nấu cơm, luộc trứng cho... rắn mối ăn

Đối với nhiều nông dân thì rắn mối không mấy giá trị, còn với ông Nguyễn Thành Mỹ ở thôn Tây Phước 2, xã Bình An (Bình Sơn) thì ngược lại, bởi đây là vật nuôi... hái ra tiền. Mặc dù nhiều năm qua, trong vườn nhà ông Mỹ luôn có xấp xỉ 100 con gà thả vườn, 50 vịt xiêm cùng đàn ngỗng, chim bồ câu, nhưng ông Mỹ vẫn quyết định đầu tư nuôi rắn mối. Nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng trước khi bắt tay vào nuôi rắn mối, ông Mỹ đã tìm hiểu kỹ rắn mối là món ăn bổ dưỡng, đắt khách ở các nhà hàng, nhưng lượng rắn mối trong thiên nhiên ngày càng giảm đi. Do đó, đầu tư vào nuôi rắn mối là quyết định hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường.

“Để tìm nguồn giống, ban đầu tôi phải lặn lội đến một công ty tại Quảng Nam mua 700 con rắn mối giống với giá 16.000 đồng/con, vì rắn mối hoang dã bắt về không thích hợp với cuộc sống nuôi nhốt trong chuồng trại”-ông Mỹ chia sẻ.

Nuôi rắn mối đã mở ra hướng chăn nuôi mới cho người dân.
Nuôi rắn mối đã mở ra hướng chăn nuôi mới cho người dân.

Còn về cách nuôi rắn mối theo ông Mỹ thì khá đơn giản. Chỉ cần làm chuồng trên nền đất có ánh sáng tự nhiên rọi vào, xung quanh xây tường gạch để rắn mối không bò ra ngoài. Phía bên trong, lợp ít tôn để rắn mối vào trú mưa. Thức ăn cho rắn mối đơn giản, rẻ tiền lại dễ tận dụng đó là cơm nguội và phổi heo luộc chín, băm nhỏ. Khi rắn mối cái chuẩn bị đẻ con thì bổ sung thêm chất dinh dưỡng bằng cách luộc trứng gà hoặc trứng vịt trộn với cơm cho rắn mối ăn. Thức ăn cho rắn mối cần nấu chín để đảm bảo vệ sinh, tránh bị ôi thiu. Mỗi ngày chỉ cần cho rắn mối ăn một lần, còn lại rắn mối tự kiếm ăn trong chuồng. Buổi tối, ông Mỹ chong bóng đèn trong chuồng để thu hút các loại kiến mối bay đến làm mồi cho rắn mối ăn. Vào thời tiết nắng nóng, ông thường xuyên bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho rắn mối.

Mỗi năm, rắn mối sinh sản từ 2 - 3 lứa. Đầu ra được công ty nơi bán con giống hỗ trợ thu mua trong vòng 5 năm với giá trung bình từ 280.000 - 300.000 đồng/kg thịt. Ông Mỹ còn cho hay, hiện có nhiều nhà hàng đã đặt mua rắn mối với giá cao từ 380.000 - 400.000 đồng/kg, nhưng ông không đủ số lượng để cung cấp. Thành công trong việc nuôi rắn mối không chỉ giúp gia đình ông Nguyễn Thành Mỹ tăng thu nhập, mà còn góp phần mở ra hướng chăn nuôi mới đối với người dân.

Linh hoạt áp dụng khoa học kỹ thuật

Trong khi nhiều mô hình cây thanh long bị “chết yểu” sau 1, 2 năm đầu triển khai thì vườn cây thanh long do chính gia đình ông Lê Văn Anh ở thôn Xuân An, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) tự đầu tư đã mang lại hiệu quả, thu nhập ổn định gần 7 năm qua. Và ông đang lên kế hoạch tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích cây trồng này.

Ông Anh cho hay: “Phải khẳng định rằng điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của quê mình rất phù hợp với việc trồng cây ăn quả cho trái thơm ngon,  chất lượng cao hơn hẳn so với các nơi khác. Nhưng trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải cần được đầu tư, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì mới cho năng suất cao, đảm bảo chất lượng”.

Mỗi năm thanh long ra 4 lứa, theo kinh nghiệm của ông Anh, muốn kích thanh long ra hoa trái vụ đạt hiệu quả thì với khí hậu tại Quảng Ngãi phải dùng bóng đèn 60W chong 18 đêm là thanh long ra thêm lứa hoa (tăng 3 đêm so với thanh long trồng tại Phan Thiết). Thanh long cho thu hoạch nhiều lứa mà thời gian sinh trưởng lên đến 20 năm nên có thể nói đây là dòng cây “ăn chắc mặc bền”. Ngoài ra, thanh long cần được chăm sóc, bón phân, tưới nước đầy đủ, ủ gốc, xử lý kiến gây hại thì mới giúp cây lâu “già”.

Hiện nay, ông Anh sở hữu 500 trụ thanh long, trong đó trung bình một trụ thanh long thu hoạch 1 tạ/năm. Với việc bán ổn định tại chợ địa phương với giá 12.000 đồng/kg, nên ông Anh đã sớm thu hồi số tiền đầu tư hơn 200 triệu đồng ban đầu.

Với kinh nghiệm sau nhiều năm trồng thanh long, ông Lê Văn Anh đúc kết, tính ra lợi nhuận trồng thanh long cao hơn gấp 5 lần so với các loại cây trồng khác, chi phí sản xuất thấp nhờ tận dụng được lượng rơm rạ, phân chuồng ở địa phương và giá bán ổn định.

So với trái cây từ miền Nam vận chuyển về thì thanh long ở quê vẫn đảm bảo độ tin cậy về chất lượng, ít bị hư hỏng, hao hụt vì quãng đường vận chuyển ngắn, chi phí vận chuyển thấp. Nhưng trước khi bắt tay vào trồng thanh long, người trồng nên trồng thí nghiệm để khảo sát chất lượng giống, độ thích nghi với thổ nhưỡng. Nếu thanh long phát triển tốt, chủ động được đầu ra, lúc đó mới triển khai trồng số lượng lớn.
 
Bài, ảnh: BẢO HÒA
 

.