Bừng sáng Di Lăng

09:08, 05/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn Hà quyết tâm xây dựng, phát triển thị trấn Di Lăng trở thành đô thị loại V và đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV vào năm 2015. Đây được xác định là nhiệm vụ đột phá, nhằm thay đổi mạnh về hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

TIN LIÊN QUAN

Xây phố trên vùng cao

Sơn Hà - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nhưng 40 năm sau ngày giải phóng, đại bộ phận nhân dân vẫn là lao động thuần nông, đời sống còn nhiều khó khăn. Dẫu vậy, với sự quyết tâm cao, Sơn Hà đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng thị trấn Di Lăng ngày một khang trang hơn, thỏa lòng mong ước của cán bộ và nhân dân. Giờ đây, những  ai xuôi ngược trên các nẻo đường thị trấn Di Lăng đều cảm nhận rất rõ bộ mặt thị trấn đã và đang đổi thay từng ngày. Nhà cửa khang trang, đường giao thông rộng, đẹp, khung cảnh của núi rừng một thời âm u giờ bừng sáng hẳn lên. Có được sự đổi thay hôm nay là nhờ vào sự đồng tâm, hiệp lực của cán bộ, nhân dân Sơn Hà dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền.

Trung tâm thị trấn Di Lăng.
Trung tâm thị trấn Di Lăng.


Cách đây 5 năm, ngay sau khi Nghị quyết 01-NQ/HU ngày 27.12.2010 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sơn Hà (khóa XXII) về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị giai đoạn 2010 – 2015 ra đời, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định: Đầu tư, phát triển đô thị thị trấn Di Lăng là một trong 3 khâu đột phá của huyện để hoàn thành Nghị quyết của Đảng bộ huyện và Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy. Vì thế, Ban Thường vụ đã chỉ đạo UBND huyện ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư, phát triển đô thị, tạo điểm nhấn cho phát triển kinh tế - xã hội của cả huyện. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển đô thị thị trấn Di Lăng được triển khai bài bản, đồng bộ, hiệu quả.

Sáng lên diện mạo Di Lăng

Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn thị trấn Di Lăng đã có 22 dự án được triển khai thực hiện, với tổng kinh phí hơn 311 tỷ đồng. Trong đó dự án hạ tầng xã hội có 12 công trình, tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng; 10 công trình hạ tầng kỹ thuật, tổng kinh phí 230 tỷ đồng. Các công trình này thực hiện đan xen, tạo thành một quần thể kiến trúc đô thị vùng cao hài hòa.

Công viên Di Lăng (9.000m2) tạo diện mạo tươi trẻ, tràn đầy sức sống của một đô thị miền núi, là nơi vui chơi, giải trí cho mọi tầng lớp nhân dân trong vùng. Chợ Di Lăng giai đoạn II mở rộng, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa ngày càng cao của người dân, tạo việc làm, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tăng lao động phi nông nghiệp, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp. Các công trình trường học, nhà làm việc được xây mới, mở rộng tạo nơi học tập, làm việc khang trang, góp phần đổi thay diện mạo đô thị, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Nhiều tuyến đường giao thông nội thị trấn như: Đường Tòa án – Cà Tu, cầu bến xe – Trường Tiểu học Di Lăng 1, Kè sông Rin, cầu đi bộ, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh… hoàn thành đã làm sáng lên diện mạo Di Lăng hôm nay.

Tuy còn không ít khó khăn trong triển khai Nghị quyết 01-NQ/HU về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị giai đoạn 2010 – 2015, song nhìn lại chặng đường 5 năm của sự nỗ lực, đồng lòng mới thấy hết được giá trị của sức bật “lên phố” ở thị trấn vùng cao Sơn Hà này. Trong cái khó chung của suy thoái kinh tế, thắt chặt chính sách tài khóa, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách… mà Di Lăng vẫn được ưu tiên nguồn lực thực hiện quyết tâm lên đô thị loại V, khiến người dân vô cùng phấn khởi.

Về Di Lăng hôm nay, lòng bỗng ấm hơn, vui hơn khi thong dong trên những con đường nhựa phẳng lỳ; đồng ruộng xanh lúa, rẫy xanh keo, nhà tường xây ngói đỏ. Đêm đến, đèn đường bật sáng, sắc màu lung linh, diện mạo đô thị càng thêm rõ nét. Tâm thế người dân Di Lăng dẫu vẫn đa phần là nông dân như xưa, nhưng cái “một nắng hai sương” đã không còn oằn lưng của ngày xưa cũ.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.