Sẽ chấm dứt "dự án thép tỷ đô"

10:07, 07/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ông Lê Văn Dũng – Phó Ban quản lý KKT Dung Quất xác nhận, Công ty TNHH Guang Lian Stell (Việt Nam), chủ đầu tư dự án (DA) Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất, vừa gửi văn bản thông báo không thể thu xếp được nguồn tài chính để tiếp tục thực hiện DA.

Như vậy, sau 9 năm với 5 lần xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT), chủ đầu tư “đành buông tay” đối với DA này.

TIN LIÊN QUAN


Kết cục được báo trước?

DA Nhà máy thép Guang Lian chính thức được cấp GCNĐT vào KKT Dung Quất từ năm 2006. Từ số vốn đăng ký ban đầu khoảng 556 triệu USD (công suất 2 triệu tấn/năm), sau đó DA điều chỉnh tăng lên 3 tỷ USD (công suất 5 triệu tấn/năm), rồi chủ đầu tư lại xin điều chỉnh tăng lên 4,5 tỷ USD (nâng công suất lên 7 triệu tấn thép/năm).
 
Sau 9 năm đầu tư nhỏ giọt, dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất vẫn ngổn ngang.                                                           Ảnh: H.T
Sau 9 năm đầu tư nhỏ giọt, dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất vẫn ngổn ngang. Ảnh: H.T

Trong “hành trình” điều chỉnh DA, đầu năm 2012, chủ đầu tư và JFE - một trong những tập đoàn thép hàng đầu của Nhật Bản, đã ký thỏa thuận hợp tác để cùng triển khai DA này. Với sự xuất hiện của JFE, DA được kỳ vọng sẽ nhanh chóng triển khai. Nhưng sau hơn 2 năm đeo đuổi, nghiên cứu, tháng 9.2014, JFE tuyên bố rút khỏi DA. Hai nguyên nhân chính được đưa ra là: Giá thép trên thị trường thế giới giảm mạnh so với giai đoạn bắt đầu nghiên cứu và khả năng cạnh tranh với các dự án thép quy mô lớn đang triển khai trong khu vực lân cận.

Sau khi Tập đoàn JFE tuyên bố rút lui, khả năng tiếp tục triển khai DA này được giới phân tích đánh giá là rất thấp. Dù vậy, vào thời điểm đó, chủ đầu tư vẫn tuyên bố tiếp tục triển khai DA, đồng thời đệ trình hồ sơ đề nghị điều chỉnh GCNĐT lần thứ 5 cho DA. Song khác với những lần đề nghị điều chỉnh GCNĐT trước đó, lần này, chủ đầu tư xin giảm vốn đầu tư xuống còn 2 tỷ USD. Cùng với đó là các đề nghị điều chỉnh liên quan đến phân kỳ đầu tư và tiến độ đầu tư, sản phẩm và cơ cấu sản phẩm, quy hoạch mặt bằng nhà máy và bến cảng chuyên dụng...

Và cũng khác với những lần trước đây, ngày 3.3.2015, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Công thương, Bộ KH&ĐT và Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, có ý kiến tham gia về các nội dung kiến nghị điều chỉnh DA của chủ đầu tư, để tỉnh thống nhất với nhà đầu tư các nguyên tắc trong việc cấp GCNĐT điều chỉnh. Trong đó yêu cầu chỉ cấp GCNĐT khi Công ty TNHH Guang Lian Steel (Việt Nam) xuất trình Hợp đồng tín dụng chính thức đã ký với ngân hàng.

Đồng thời, trong thời gian tối đa 60 ngày kể từ ngày Ban quản lý KKT Dung Quất có văn bản chấp thuận về nguyên tắc các nội dung dự kiến được ghi trong GCNĐT điều chỉnh lần 5, nếu chủ đầu tư không cung cấp được Hợp đồng tín dụng chính thức, Ban quản lý KKT Dung Quất có quyền đơn phương chấm dứt, thu hồi DA và xử lý theo quy định của pháp luật. Không xoay xở được vốn theo thời hạn đã ấn định, Công ty TNHH Guang Lian Stell (Việt Nam) “đành buông tay” đối với DA này.

Xử lý thận trọng

Trong nhiều năm qua, dù Quảng Ngãi đã tạo cơ chế mở với nhiều ưu đãi, sự ưu ái, cũng như chia sẻ khó khăn cùng nhà đầu tư này, nhưng đến nay Công ty TNHH Guang Lian Stell đã không thể thu xếp tài chính cho DA Thép Guang Lian Dung Quất theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Sau thông báo của chủ đầu tư này, trước mắt, Ban quản lý KKT Dung Quất và UBND tỉnh sẽ thống nhất nội dung, sau đó sẽ làm việc với chủ đầu tư một số vấn đề liên quan để sớm có quyết định chấm dứt DA. “Việc giải quyết sẽ thực hiện theo quy định mới của Luật Đầu tư (có hiệu lực thi hành từ 1.7.2015-PV)”-ông Lê Văn Dũng thông tin.

DA Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất là DA hạng A, đồng nghĩa với việc tỉnh Quảng Ngãi phải bỏ tiền ngân sách để giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho nhà đầu tư. Với yêu cầu quỹ đất cần cho DA tương đối lớn, trong khi nguồn ngân sách cân đối của tỉnh còn hạn chế, dù vậy tỉnh cũng đã bàn giao mặt bằng sạch với 337ha/504 ha đất cho nhà đầu tư này. Ngoài ra, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa bàn giao gần 39ha. Như vậy, tổng diện tích đất hiện nay có thể sử dụng gần 370ha/504ha (chiếm 73,25%).  

Đối với DA này, trong 9 năm qua, chủ đầu tư đã đầu tư các hạng mục như khối nhà ở công nhân, san lấp mặt bằng, tường rào, cọc xây nhà máy sản xuất... Theo báo cáo thì chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 73 triệu USD (đến tháng 10.2014).
Việc giải quyết "hậu" DA này là một câu chuyện không đơn giản. Vì thế, Quảng Ngãi sẽ tìm phương án xử lý thận trọng, đúng trình tự và các quy định hiện hành, nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư.
 
Hoàng Triều
 

.