Góp sức đưa vùng cao phát triển

05:07, 05/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay nhiều hộ dân vùng cao đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt mang lại thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển, góp phần làm khởi sắc diện mạo miền núi.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2000, khi mới 20 tuổi, anh Đinh Văn Thơ ở thôn Làng Trá, Sơn Bao (Sơn Hà) đã biết khai hoang đất để sản xuất. Thời điểm bấy giờ, không có máy móc, phương tiện hỗ trợ, khai hoang chỉ sử dụng sức người là chính. Anh Thơ đã cùng với gia đình khai hoang cả chục hécta đất khô cằn, sỏi đá để sản xuất. Theo lời anh Thơ: “Lúc ấy quê mình chưa có đường sá đi lại dễ dàng như bây giờ. Còn bà con mình chỉ trồng theo thói quen nên thu nhập chẳng được bao nhiêu”.

 

Anh Đinh Văn Thơ luôn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình.
Anh Đinh Văn Thơ luôn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình.


Sau khi tìm hiểu thấy cây mía phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng của địa phương, mang lại thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác và là loại cây có tác dụng bảo vệ đất rất tốt… anh Thơ mạnh dạn đầu tư trồng mía. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng mía, nên những vụ mía của gia đình anh Thơ vừa cho năng suất 70-80 tấn/ha và chữ đường đạt 9,5 CCS. Với diện tích 4ha mía, mỗi năm mang lại cho gia đình anh Thơ số tiền cả trăm triệu đồng.

“Mát tay” trong trồng mía, anh Thơ được người dân thôn Làng Trá tín nhiệm cử làm nhóm trưởng nhóm mía nguyên liệu của địa phương. Với nhiệm vụ này, anh Thơ đã làm tốt vai trò “cầu nối” giữa cơ quan chức năng, nhà máy đường trong việc vận động, hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc, thu hoạch mía đúng thời vụ; đưa các giống mía mới vào trồng cho năng suất cao...

Ngoài trồng mía, anh Thơ còn trồng 3ha keo. Sau mỗi vụ thu hoạch, cây keo mang về cho gia đình anh từ 80-100 triệu đồng. Còn trong chuồng, anh Thơ nuôi 5 con trâu, vừa sử dụng làm sức kéo vừa nuôi lấy con giống.

Anh Đinh Văn Thật (SN 1980) ở thôn Xà Ây, đang cùng các thành viên trong gia đình hối hả thi công và hoàn thành ngôi nhà thiết kế đẹp, hiện đại. Điều đặc biệt là, anh Thật vừa là chủ nhân, vừa trực tiếp thi công ngôi nhà trị giá hơn 700 triệu đồng này. Anh Thật cho biết, anh trồng 10ha keo và nuôi bò cho thu nhập trung bình cả trăm triệu đồng/năm. Tranh thủ những lúc nông nhàn, anh vào TP Hồ Chí Minh làm thợ hồ. Tích cóp, tiết kiệm tiền bán keo, bò cùng với kinh nghiệm làm thợ hồ, chàng trai Hrê này quyết tâm tự xây dựng ngôi nhà cho gia đình. Theo tính toán của anh Thật, tiền công xây dựng để dành sắm sửa nội thất.

Nhiều người thán phục trước việc một chủ nhân trẻ tự xây nhà khang trang, hiện đại. Thế nhưng anh Thật cười bảo: “Mình chỉ chịu khó thôi!”. Anh Thật chia sẻ, quê hương giờ phát triển, nhà cửa xây dựng rồi, mình yên tâm ở quê nỗ lực làm ăn.  

Theo giới thiệu của Bí thư Đoàn xã Sơn Cao, chúng tôi được anh Đinh Văn Việt ở thôn Làng Mon chia sẻ về “cơ duyên” khiến anh đào ao thả cá trên vùng cao. “Mình xem ti-vi, đọc báo thấy giới thiệu nhiều nơi nuôi cá trắm cỏ thành công. Người ta làm được thì mình ngại gì không thử…”.

Nghĩ là làm, ao cá với diện tích 2 sào dưới chân núi Đèo Re đã thành hình. Anh Việt kể: “Bắt tay đào ao thả cá mới biết dưới nền đất toàn là lớp đá cứng nên tốn nhiều công lắm. Với vụ đầu tiên mình không tính toán lời lỗ mà xác định vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm là chính”. Sau khi thu hoạch xong vụ đầu, anh Việt tiếp tục thả nuôi 3.000 con cá trắm cỏ và hy vọng bội thu khi kinh nghiệm nuôi đã nắm chắc trong tay.

Ông Đinh Văn Bát-Chủ tịch UBND xã Sơn Cao cho biết, nhờ Nhà nước đầu tư xây dựng đường sá khang trang, giúp người dân vùng cao đi lại dễ dàng, thuận tiện trong việc vận chuyển, mua bán hàng hóa. Điều đó đã tạo điều kiện cho người dân địa phương mạnh dạn đầu tư, nỗ lực phát triển chăn nuôi và trồng trọt với quy mô lớn, góp phần đưa vùng cao ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.