Các hồ chứa kiệt nguồn sinh thuỷ

08:07, 17/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trồng và bảo vệ rừng để tạo nguồn sinh thủy là một trong những giải pháp căn cơ để nâng cao khả năng giữ nước ở các hồ, đập thủy lợi. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh rất nghèo nguồn rừng tạo sinh thuỷ để giữ mạch nước ngầm, nên vào mùa khô năm nay lượng nước trên các hồ thuỷ lợi đang “tuột dốc không phanh”.

Có nhiều hồ chứa vẫn thiếu nước

 Toàn huyện Bình Sơn có 58/119 hồ chứa nước trong toàn tỉnh. Với số lượng hồ chứa nhiều như vậy nhưng bước vào vụ hè thu năm nay, người dân và cả ngành chức năng của địa phương này lại lao đao vì thiếu hụt nước tưới trong nông nghiệp.

Theo đại diện Phòng NN&PTNN huyện Bình Sơn, hiện 58 hồ chứa trên địa bàn huyện chỉ còn khoảng 30% dung tích.  Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hồ chứa nước chưa thật sự phát huy hết công năng. Trong đó có một  nguyên nhân là nguồn sinh thuỷ quanh các hồ chứa gần như không có, hoặc đã cạn kiệt.

Xung quanh hồ chứa nước Liệt Sơn (Đức Phổ) là những khu rừng nghèo, tạo nguồn sinh thủy rất ít.
Xung quanh hồ chứa nước Liệt Sơn (Đức Phổ) là những khu rừng nghèo, tạo nguồn sinh thủy rất ít.


Hồ chứa nước An Phong, xã Bình Mỹ (Bình Sơn) là một trong những hồ chứa nước lớn của huyện Bình Sơn. Xung quanh hồ là những rừng keo, thảm thực vật trên đất rất ít. Bước vào đầu mùa khô, mực nước trong hồ tuột xuống nhanh chóng.

Bà Đào Thị Thu Vân-Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ cho biết: “Các hồ chứa nước trên địa bàn xã giống như bể nước được đặt giữa trời. Không có rừng tự nhiên bao bọc xung quanh, nên nắng nóng là nước bốc hơi rất nhanh. Toàn xã có khoảng 1.000ha đất nông nghiệp, nhưng diện tích hưởng nước từ thuỷ lợi Thạch Nham chỉ khoảng 30ha, còn các hồ chứa trong xã không đủ để cung cấp nước tưới cho bà con”.

“Chống dột phải lo từ nóc”

Từ nhiều năm nay, công tác bảo vệ rừng phòng hộ quanh các hồ chứa nước lớn của tỉnh như Liệt Sơn (Đức Phổ), Núi Ngang (Ba Tơ)… luôn được chú trọng. Song, rừng phòng hộ ở các hồ chứa vẫn còn nghèo, thường xuyên bị xâm hại. Hồ Liệt Sơn, một trong những hồ chứa nước lớn của tỉnh, nhưng xung quanh hồ cũng chỉ được bao bọc bởi những cánh rừng nghèo. Theo ông Bùi Hào- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Phổ: “Riêng rừng tự nhiên xung quanh hồ Liệt Sơn nằm trên địa bàn huyện có diện tích khoảng 58ha, hầu hết là rừng non, vậy nên khả năng giữ mạch nước ngầm, nguồn sinh thuỷ vì thế cũng không được dồi dào”.

Ông Phan Diệp- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cho biết: “Xung quanh các hồ thuỷ lợi trên địa bàn huyện phần lớn là các loại cây keo, bạch đàn, ít khả năng tạo được nguồn sinh thuỷ. Hơn nữa, đến kỳ thu hoạch là quanh các hồ chứa gần như “trắng” rừng. Những “lá chắn” này cạn kiệt là một phần nguyên nhân khiến các hồ chứa yếu đi khả năng giữ nước”.

Trao đổi về những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Đại-Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ: “Toàn tỉnh có khoảng 130.000ha rừng phòng hộ. Rừng tự nhiên quanh các hồ chứa có chức năng đặc biệt quan trọng trong việc giữ mạch nước ngầm. Hơn nữa, nó có tác dụng chống xói mòn, giảm được hiện tượng bồi lắng ở lòng hồ. “Chống dột phải lo từ cái nóc”. Muốn chống hạn cũng vậy, giải pháp lâu dài là phải bảo vệ được rừng. Tuy diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh đang tăng lên, nhưng rừng tự nhiên thì đang giảm, dẫn đến độ che phủ bị thu hẹp, nguồn sinh thuỷ vì thế mà cũng ít đi”.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 


.