Vùng cao vào vụ mới: "Khát" giống chất lượng

09:06, 18/06/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Việc chọn được giống chất lượng không chỉ là yếu tố góp phần nâng cao năng suất mà còn giúp nhà nông giảm chi phí sản xuất. Thế nhưng, người dân vùng cao rất khó có cơ hội lựa chọn giống tốt mỗi khi vào vụ.

TIN LIÊN QUAN


Vẫn lấy lúa ăn làm giống

Những ngày này, trên các cánh đồng lúa ở miền xuôi lúa đã lên xanh mơn mởn, còn ở các địa phương miền núi vẫn còn nhiều diện tích mới bắt đầu vào vụ. Con đường liên thôn chạy qua thôn Làng Môn, xã Sơn Cao, huyện miền núi Sơn Hà nằm sát cánh đồng trải dài mênh mông. Trời nắng như đổ lửa, vài chục nông dân đang trang ruộng, rải giống.

Bê bên hông mủng giống hạt mọc hạt không, mồ hôi chảy ròng ròng, lão nông Đinh Văn Hùng nói như hụt hơi: “Khổ thiệt, cả xã không tìm lấy ra một nơi bán giống, vụ nào cũng lấy lúa ăn làm giống ủ tới 5 ngày 5 đêm mà vẫn mọc không đều”.

Lão nông Đinh Văn Hùng cho biết, chuyện lấy lúa ăn làm giống là chuyện rất đỗi thường tình với người dân vùng núi xa xôi này. Bởi lẽ, lâu lâu họ cũng được nhà nước hỗ trợ giống, nhưng chẳng thấm vào đâu, mua giống thì chẳng biết mua ở đâu?

Cứ 1 vụ lặn lội xuống miền xuôi mua giống hoặc được nhà nước hỗ trợ, thu hoạch vụ trước, bà con mang phơi khô rồi lấy vài ang cất riêng để dành vụ sau làm giống. Cứ thế lặp đi lặp lại đến 4, 5 vụ sau. Dù đã ngâm, ủ đúng kỹ thuật, nhưng giống mọc 50-60% là bà con mừng lắm rồi!

Thế mới có chuyện, 1 sào dưới đồng bằng sạ có 4kg giống thì vùng cao phải đến gấp rưỡi, gấp đôi. Giống không đảm bảo chất lượng nên nảy mầm kém, bà con phải sạ dày để bù đắp lượng giống thiếu hụt.

 

k
Người dân miền núi vẫn phải lấy lúa ăn làm giống mỗi khi mùa vụ đến.


Nhưng khổ nổi, cây lúa mọc lên được hai lóng tay là tự thúi cây, queo đầu rồi chết, dù bà con có bón phân, phun thuốc nhiều lần cũng không tài nào cứu vãn được.

Bởi thế, lúa trổ thành nhiều tầng là chuyện không có gì lạ. 2 sào lúa của ông Hùng vụ nào giỏi lắm thu hoạch phơi khô còn 5-6 bao lúa tươi, dù ruộng không thiếu nước, đất đai màu mỡ. Ông cũng tận dụng tối đa nguồn phân chuồng của gia đình và kết hợp bón phân hóa học, nhưng năng suất chẳng là bao.

Còn chị Trần Thị Cảm ở thôn Làng Ghê, xã Sơn Linh thừa nhận: “Giống lúa là yếu tố đầu tiên quyết định đến năng suất, vụ nào mua được giống chất lượng là vụ đó vừa đỡ chi phí sản xuất vừa đặng mùa, biết thế nhưng bà con rất khó tiếp cận được nguồn giống lúa chất lượng cao. Chẳng lẽ chạy xuống xuôi mua vài ký giống về sạ?”.

Chị Cảm cho hay, là người vùng xuôi lên đây sinh sống, buôn bán đã mấy chục năm, kiến thức về nông nghiệp, kỹ thuật canh tác cũng nắm “rành rọt”, nhưng đành lấy lúa ăn làm giống vì ở vùng cao “đỏ mắt” cũng không tìm ra nơi bán giống.

“Muốn hay không cũng phải lấy lúa ăn làm giống. 4 vụ rồi tui đều sạ giống lúa Xi23, thời gian vừa dài vừa hao tốn. Bón phân đi phân lại, phun thuốc miết mà cũng tới 4 tháng mới thu hoạch. 1.500 m2 được có 7 bao lúa, vị chi một sào trung bình hơn 2 bao lúa khô. Biết là lấy lúa ăn làm giống không thể nào nâng cao năng suất, nhưng có muốn sạ giống khác cũng chẳng biết lấy đâu ra?”- chị Cảm phân trần.

Cần lắm hợp tác xã nông nghiệp!

Ông Trần Đình Vũ- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cao bộc bạch: Ở vùng cao tài nguyên lớn, trình độ canh tác của người dân giờ đây không thể nói là kém. Những năm qua, địa phương luôn tập huấn cho bà con cách chăn nuôi, trồng trọt. Người dân đã biết ủ phân chuồng biến thành hữu cơ vừa tránh ô nhiễm môi trường, vừa hạn chế chi phí sản xuất.

 

Vie6c4
Bà con vùng cao tốn rất nhiều chi phí cho sản xuất, nhưng đổi lại năng suất chẳng là bao.


Hay như mô hình trồng cỏ nuôi bò, địa phương làm thí điểm 1 hộ gia đình, giờ nhà nhà trồng cỏ, người người trồng cỏ. Chứng minh cho bà con thấy, họ sẽ làm theo ngay, họ tiếp thu rất nhanh. Nhưng cái khó là họ chưa có môi trường tiếp cận nhiều.

Yếu nhất là dịch vụ nông nghiệp, cả xã không có lấy một chỗ bán giống, nên phải lấy lúa ăn làm giống. Do bị lẫn nhiều, lúa bị thoái hóa nên thường hay nhiễm sâu bệnh, đổ ngã, khiến chi phí đầu vào tăng cao. Sản phẩm bán ra thị trường giá thấp, trong khi họ mua lại với giá cao ngất ngưỡng. Đó là lý do nhà nông bao năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cái nghèo, cái khó vẫn bám theo.

Đơn cử như 1kg bắp mà dân sản xuất ra, thương lái dưới xuôi chỉ mua 5.000 đồng, trong khi bà con có nhu cầu mua lại với giá 6.700 đồng/kg.

Trong câu chuyện đầy nhiệt tình và tâm huyết, ông Vũ cho rằng: Đa phần người dân vùng cao thuộc diện hộ nghèo, sản xuất nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, vì thế thành lập hợp tác xã nông nghiệp là rất cần thiết.

Hợp tác xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đóng vai trò quan trọng trong việc cải tạo tập quán canh tác cũ, tổ chức các dịch vụ phục vụ sản xuất cho xã viên, giúp xã viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, sẽ góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo ở miền núi.

 

Bài, ảnh: Ái Kiều

 


.