Ứng phó với hạn - Kỳ 3: Chuyển đổi cây trồng vẫn còn loay hoay

09:06, 05/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi thích hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, công tác quy hoạch vùng chuyển đổi, hỗ trợ người dân chuyển đổi vẫn chưa được triển khai đồng bộ, quyết liệt khiến vụ hè thu năm nào, cũng có hàng trăm hecta lúa bị mất mùa do hạn hán.

TIN LIÊN QUAN

Lợi kép từ chuyển đổi cây trồng

Nằm trong danh sách những xã có khả năng hạn nặng của huyện Bình Sơn, ngay từ đầu vụ, xã Bình Phú đã chủ động chuyển đổi hơn chục hecta đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu, bắp và cây rau màu các loại. Ông Bùi Hùng, xã Bình Phú cho biết: “Ở đây, nguồn nước Thạch Nham không có nên vụ hè thu thường hay thiếu nước. Do đó, để tăng thu nhập và tiết kiệm được nguồn nước tưới, vụ này tôi đã chủ động chuyển hơn 1 sào đất lúa sang trồng cây đậu xanh”. Bởi theo ông Hùng, đậu xanh là cây có khả năng chịu hạn và giá trị cao gấp nhiều lần so với cây lúa.

Việc chủ động chuyển đổi đất lúa sang trồng đậu các loại đã giúp nông dân tiết kiệm được nước tưới.
Việc chủ động chuyển đổi đất lúa sang trồng đậu các loại đã giúp nông dân tiết kiệm được nước tưới.


Theo thống kê của Sở NN&PTNT, việc thực hiện luân canh trồng lúa vụ đông xuân và cây trồng cạn trong vụ hè thu mang lại kết quả rất khả quan. Mô hình lúa đông xuân – đậu phụng hè thu cho giá trị thu hoạch trên 60 triệu đồng/ha/năm, lúa đông xuân - bí, cà chua, khổ qua hè thu cho giá trị thu hoạch trên 160 triệu đồng/ha/năm, hay lúa đông xuân - ớt hè thu cho giá trị thu nhập trên 90 triệu đồng/ha/năm... Từ giá trị thu hoạch của các mô hình luân canh trên, có thể thấy rằng, việc thực hiện khoa học, hợp lý chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ giúp bà con nông dân tại những vùng thường xuyên thiếu nước có thể tránh được nguy cơ mất mùa mà còn nâng cao giá trị thu hoạch gấp nhiều lần so với trồng “độc canh” cây lúa.

Trước hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nếu như vụ hè thu năm 2014, huyện Bình Sơn thực hiện chuyển đổi hơn 100ha từ đất lúa sang cây trồng cạn thì trong vụ hè thu năm nay, diện tích chuyển đổi đã tăng lên gấp hơn 4 lần (433ha), tập trung hầu hết tại các xã thường xuyên bị thiếu nước như Bình Thạnh, Bình Tân, Bình Phước…   

Còn tại huyện Mộ Đức - một trong những địa phương rất tích cực trong công tác chuyển đổi đất lúa thiếu nước tưới, kém hiệu quả sang cây trồng cạn, trong vụ hè thu này, huyện cũng phối hợp với Công ty Giống cây trồng duyên hải miền Trung hỗ trợ giống và công làm đất với giá 150 nghìn đồng/sào cho 12ha ở Đức Nhuận. Trước đó, trong vụ hè thu 2014, huyện cũng đã từng phối hợp thực hiện trình diễn mô hình chuyển đổi sản xuất lúa thiếu nước tưới sang trồng bắp lai. 182 hộ dân tham gia mô hình, sau khi nhận thấy việc chuyển đổi sang cây bắp lai (sau khi trừ các khoản chi phí, ruộng bắp lãi ròng trên 20 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng lúa trên 7 triệu đồng/ha) nên đã tiếp tục phát triển mô hình trong vụ hè thu năm nay.

Nhưng diện tích chuyển đổi còn thấp

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang là một nhiệm vụ rất bức thiết, khi tình hình thời tiết nắng nóng trong vụ hè thu ngày một “leo thang”. Vụ hè thu năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh, đã có khoảng 800ha lúa bị mất trắng do thiếu nước ở các chân ruộng cao, 1.251ha không sản xuất được vì không có nước. Nhưng diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng cạn chỉ khoảng... 400ha. Nếu so sánh với diện tích lúa mất trắng và bỏ hoang không sản xuất thì 400ha chuyển đổi sang cây trồng cạn vẫn là một con số khá khiêm tốn.

Đến vụ hè thu năm nay, diện tích chuyển đổi sang cây trồng cạn đã tăng lên khoảng hơn 900ha. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết đang được dự báo là sẽ diễn ra những đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino thì diện tích trên vẫn còn thấp. Nhất là với các huyện miền núi, dù diện tích ruộng chân cao lớn, nguy cơ thiếu nước cao, nhưng diện tích chuyển đổi sang cây trồng cạn lại thấp.

Lý giải nguyên nhân dù có đến 7/9 xã luôn nằm trong “danh sách” những địa phương có nguy cơ bị thiếu nước trong vụ hè thu, nhưng bình quân hằng năm, chỉ có khoảng chưa đến 1ha chuyển đổi sang cây trồng khác, ông Trần Văn Mẹo-Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Trà cho biết: “Do tập quán sản xuất của người dân cộng với tâm lý không chịu  thay đổi thói quen sản xuất, nên mặc dù khuyến khích, tuyên truyền nhưng người dân không mặn mà”.

Ông Đinh Kê-Trưởng thôn Diên Sơn, xã Long Sơn (Minh Long), nơi có khoảng 7ha lúa chỉ sản xuất được 1 vụ đông xuân cho biết: “Cũng muốn bà con chuyển qua trồng cây đậu phụng, cây bắp để khỏi bỏ đất. Nhưng người dân chưa hình dung được hiệu quả của các mô hình này nên rất khó vận động. Việc thực hiện mô hình trình diễn và hỗ trợ về vốn ban đầu là rất cần thiết với người dân miền núi chúng tôi”.

Dân lo, ngành nông nghiệp… chờ

Ngoài việc chưa mặn mà do thiếu chính sách hỗ trợ, người dân còn lo cho đầu ra sản phẩm nếu chuyển đổi ồ ạt. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, người nông dân đã chủ động và mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng của người dân trước mắt chỉ là để ứng phó với biến đổi khí hậu, còn vấn đề đầu ra cho nông sản như thế nào thì người nông dân vẫn không thể chủ động hay tính toán được.

Ông Phan Diệp – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn thừa nhận: Huyện chỉ có thể giới thiệu đối tượng chuyển đổi cũng như hỗ trợ tập huấn, chuyển giao công nghệ, còn chuyện đầu ra cho nông sản thì chưa có giải pháp nào. “Để người nông dân không rơi vào điệp khúc “được mùa, mất giá” thì tỉnh cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng như giống, thiết bị và đặc biệt là đầu ra cho nông sản”- ông Diệp kiến nghị.

Không chỉ riêng huyện Bình Sơn mà đây là vấn đề chung của các địa phương trong tỉnh. Trao đổi về các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Đào Minh Hường – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Việc người dân chủ động chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác là tốt. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi, người dân phải tính toán xem loại cây trồng nào mang lại giá trị cao và giá cả tương đối ổn định thì chuyển đổi. Bởi ngành chỉ có thể định hướng chuyển đổi, còn việc chuyển đổi như thế nào để không “bí đầu ra” thì người dân phải tính toán cân nhắc, không nên làm ồ ạt. Riêng về cơ chế hỗ trợ chuyển đổi thì ngành đã có văn bản gửi lên Bộ NN&PTNT.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.