Ứng dụng Công nghệ sinh học vào đời sống và sản xuất: Chưa đột phá

08:06, 26/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào nông nghiệp, công nghiệp... với mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã và đang là hướng đi được các cấp, các ngành quan tâm. Tuy nhiên, công tác triển khai vẫn chưa đồng bộ nên  việc ứng dụng CNSH vẫn chưa tạo được sự đột phá.

Nhiều dự án hiệu quả

Việc ứng dụng CNSH vào nông nghiệp trong những năm qua đã mang lại nhiều dấu ấn khi thông qua các dự án được triển khai, nhiều vùng sản xuất giống cây trồng, vật nuôi mới đã được hình thành.

 

Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông- lâm nghiệp Dung Quất phối hợp cùng nông dân đưa giống hoa ly Đà Lạt về trồng ở Quảng Ngãi.                                                                                                                                                                              Ảnh: Ý THU
Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông- lâm nghiệp Dung Quất phối hợp cùng nông dân đưa giống hoa ly Đà Lạt về trồng ở Quảng Ngãi. Ảnh: Ý THU


Việc tuyển chọn, nghiên cứu và xây dựng mô hình thực nghiệm phát triển nghề trồng hoa tại KKT Dung Quất và TP.Quảng Ngãi đã đưa nhiều giống hoa mới vào sản xuất, phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh. Để rồi từ đó, số mô hình trồng các loại hoa mới như phong lan, ly ly… ngày càng nhân rộng trong dân. Hay như dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình canh tác mía trên đất gò đồi theo hướng bền vững tại các huyện Ba Tơ, Minh Long và Sơn Hà” cũng mở ra hướng đi mới cho người dân miền núi khi nhờ vào dự án mà 3 huyện miền núi này đã xây dựng được vùng nguyên liệu mía gần 2.000ha trên đất gò đồi, với năng suất mía cây đạt từ 70-90 tấn/ha.

Tại huyện Nghĩa Hành, nông dân Nguyễn Vàng ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh cho biết: “Trước đây, tôi chỉ trồng vài cây ăn quả để con cháu ăn thôi. Nhưng từ khi có dự án của huyện, thấy trồng cây ăn quả mang lại thu nhập khá nên tôi mua chôm chôm về trồng. Vụ vừa rồi, dù mới trồng 2 năm, nhưng 18 cây chôm chôm cho năng suất 2,3 tấn”. Ông Vàng là một trong số những nông dân tham gia Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển cây ăn quả hàng hóa tại huyện Nghĩa Hành”. Dự án triển khai trồng 3 loại cây chủ lực: Sầu riêng hạt lép, bưởi da xanh, chôm chôm Java với quy mô 45ha đã tạo cơ sở cho việc phát triển trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa tại huyện trung du này.
 

90% nông dân sử dụng giống mới
Từ 2005-2015, tỉnh đã ứng dụng đưa vào sản xuất hàng loạt giống lúa, bắp, mía, mì, đậu phụng, đậu xanh cùng các loại cây lâm nghiệp như keo lai, phi lao, dầu rái, muồng đen, sao đen. Đến nay, có khoảng 90% nông dân sử dụng giống lúa kỹ thuật, giống bắp lai, giống mía mới.

Không chỉ tạo cơ sở cho việc hình thành vùng sản xuất với giống cây trồng, vật nuôi mới, việc thực hiện các dự án ứng dụng CNSH còn góp phần tăng năng suất, sản lượng cho cây trồng. Điển hình như dự án “Giải pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng tỏi ở huyện Lý Sơn” giúp năng suất tăng 10% so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, còn phải kể đến công tác nghiên cứu nhân giống cây keo lai dòng BV10, BV16, BV32 bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào đã phát huy được ưu việt của cây keo lai nuôi cấy mô là sạch bệnh, bộ rễ phát triển mạnh, hạn chế đổ ngã, năng suất tăng từ 20-50% so với các loại keo lai giâm cành.

Nhưng chưa phát triển đồng bộ

Tuy ứng dụng CNSH vào sản xuất mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc ứng dụng CNSH mới chỉ được chú trọng thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp. Còn các lĩnh vực khác như y tế, bảo vệ môi trường, công nghiệp chế biến, bảo quản… thì dấu ấn đóng góp của CNSH vẫn chưa rõ nét. Đối với ngành chế biến thủy sản, hầu hết các doanh nghiệp gia công hoặc chế biến thô nên việc ứng dụng CNSH còn hạn chế. Riêng lĩnh vực môi trường thì việc ứng dụng CNSH mới chỉ dừng lại ở làm hầm biogas, chăn nuôi heo trên đệm lót vi sinh, diệt chuột bằng bả sinh học… Trong đó, dù chăn nuôi heo trên đệm lót vi sinh rất thân thiện với môi trường khi các chất thải chăn nuôi đều được phân hủy nhờ đệm lót nhưng đến nay, mô hình trên mới chỉ dừng lại ở vài nông hộ đại diện, chứ chưa phát triển lan tỏa.

Ngoài ra, việc thiếu cơ chế chính sách khuyến khích phát triển và ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh, cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực này chưa được chú trọng đầu tư đúng mức… cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc ứng dụng CNSH vào đời sống và sản xuất chưa có sự đột phá. Chẳng hạn như Trại Nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng CNSH phục vụ sản xuất nông nghiệp được xây dựng vào năm 2012 với diện tích khoảng 16,7ha. Nhưng đến nay, “Trại nghiên cứu mới chỉ được đầu tư các hạng mục cơ bản, còn máy móc, trang thiết bị thì vẫn chưa được đầu tư. Vì thế việc tổ chức nghiên cứu ứng dụng CNSH vẫn còn hạn chế”, ông Võ Thanh Thoại - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học- công nghệ cho biết.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.