Từ cảng nước sâu lên tầm cao mới

09:06, 05/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ khi cảng biển nước sâu Dung Quất (cảng Dung Quất I) và NMLD Dung Quất được triển khai, tình hình thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ngãi  theo hướng phát triển hệ thống cảng biển đi trước một bước, đã có sức bật mạnh mẽ.

TIN LIÊN QUAN

Chọn Dung Quất vì cảng nước sâu

Không phải ngẫu nhiên Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan của Hàn Quốc chọn Dung Quất để đầu tư. Ông Cho Bong Jin-Tổng Giám đốc đầu tiên của Công ty Doosan Vina từng chia sẻ, Doosan đã khảo sát hàng trăm điểm trên thế giới nhưng đã chọn Việt Nam. Ở Việt Nam, Doosan cũng đã khảo sát hàng chục điểm nhưng cuối cùng Dung Quất mới là sự lựa chọn số 1. Tất cả bởi Dung Quất là cảng nước sâu có nhiều điểm vượt trội, rất thuận lợi để vận chuyển sản phẩm có khối lượng, kích thước lớn.

Cảng nước sâu Dung Quất đã và đang là lợi thế trong thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi.
Cảng nước sâu Dung Quất đã và đang là lợi thế trong thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi.


Xây dựng cảng biển là điều kiện tiên quyết để thu hút các dự án công nghiệp nặng tại Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất. Theo BQL KKT Dung Quất, lũy kế đến nay, tại KKT Dung Quất đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 130 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 181 nghìn tỷ đồng (tương đương 10,5 tỷ USD). Tổng giá trị vốn thực hiện đầu tư khoảng 4,85 tỷ USD, đạt 46% vốn đăng ký đầu tư. Hiện có 75 doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Góp phần thực hiện chiến lược biển của Việt Nam, Tập đoàn Gemadept và các đối tác đã đầu tư xây dựng Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất. Đây là cảng thứ 3 trong hệ thống cảng của tập đoàn này (sau Hải Phòng và TP.HCM) và là một trong những cảng biển lớn của miền Trung có thể đón tàu trọng tải 30.000DWT. Ông Nguyễn Duy Ngọc-Giám đốc Cảng Quốc tế Gemadept Dung Quất cho biết, cảng có trang thiết bị xếp dỡ hiện đại, với dây chuyền xếp dỡ container hoàn chỉnh, nên cùng với các cảng khác tại Dung Quất tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu, hàng hóa tiêu dùng nội địa của các nhà máy, xí nghiệp ở KKT Dung Quất, cả KKT mở Chu Lai (Quảng Nam) và các vùng lân cận.

Với lợi thế của cảng biển có chiều sâu mớn nước 12-14m, hiện nay tàu trên dưới 50 nghìn tấn có thể ra vào thuận lợi. Chính vì thế, dù thuộc hàng sinh sau nhưng đến nay, mỗi năm lượng hàng hóa qua cảng nước sâu Dung Quất đạt 15-17 triệu tấn, qua đó vươn lên đứng thứ 5 trong cả nước về sản lượng hàng hóa qua cảng.

Tương lai ở Dung Quất II

Để bảo đảm vai trò “hạt nhân tăng trưởng” cho khu vực miền Trung theo Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010, Dung Quất được mở rộng từ hơn 10.300ha lên hơn 45.300ha. Đây là khu vực được quy hoạch trở thành một khu phức hợp. Và bước mở rộng KKT gắn với phát triển cảng biển nước sâu Dung Quất II và hình thành Tổ hợp công nghiệp nặng Dung Quất II.

 Theo Tiến sĩ Trương Đình Hiển, một chuyên gia về công trình biển thì, với tính chất là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực vào loại bậc nhất của đất nước, cảng biển nước sâu Dung Quất đóng vai trò quan trọng. Đó là xuất nhập khẩu, giao lưu với các nước tiểu vùng sông Mê Kông và Châu Á - Thái Bình Dương. Lợi thế của Quảng Ngãi là ngoài cảng Dung Quất I còn có vịnh Dung Quất II, vịnh nước sâu tốt chỉ sau Vân Phong (Khánh Hòa). Đây là điều kiện tuyệt vời để xây dựng cảng nước sâu phục vụ công nghiệp nặng, đáp ứng cho tàu 250-300 ngàn tấn, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô, kiêm Trưởng BQL KKT Dung Quất thông tin, hiện nay Liên danh Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy (TEDIPORT) đã quy hoạch khu bến cảng Dung Quất II. Trong đó, giai đoạn 1 chiều dài của cảng dài 3km đã quy hoạch xong phần về phía mặt biển và đất liền tiếp xúc với cảng.

Cảng Dung Quất II sau khi đầu tư hoàn chỉnh có thể đón tàu có trọng tải 250.000 - 300.000 DWT, với tầm nhìn đến năm 2025, năng lực xếp dỡ thông qua khu bến cảng này đạt 37 triệu tấn/năm; giai đoạn hoàn chỉnh sau năm 2030 sẽ đạt gần 100 triệu tấn/năm. Song song, tỉnh Quảng Ngãi tiến hành đầu tư các hạng mục giao thông quan trọng khác, như xây dựng đường Võ Văn Kiệt (giai đoạn II), triển khai các dự án tuyến đường Dốc Sỏi - cảng Dung Quất; đường Trì Bình - Dung Quất; đường Tịnh Phong - Dung Quất 2 (14 km) để kết nối hạ tầng.

“KKT Dung Quất đang từng bước thực hiện kế hoạch mở rộng về phía Nam. Theo quy hoạch, KCN Dung Quất II có diện tích gần 2.820ha, với trọng tâm là các loại hình công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất, công nghiệp chế tạo, đóng tàu biển, luyện cán thép, nhiệt điện và công nghiệp phụ trợ gắn liền với cảng biển nước sâu Dung Quất II. Đây sẽ là nhân tố quyết định, nhân tố động lực cho sự phát triển của Dung Quất và Quảng Ngãi trong giai đoạn tới. Do đó, Quảng Ngãi đang tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư cảng Dung Quất II, cũng như vào KCN Dung Quất II”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô cho biết.

Bài, ảnh: Thanh Như
 


.