Ngập úng giữa mùa hạn

02:06, 17/06/2015
.

(Báo Quảng NgãI)- Đã hơn 10 năm nay, họ không còn được đặt cái cuốc, lưỡi cày xuống khoảnh ruộng của chính gia đình mình nữa. Những nông dân “ruộng nước” ấy phải đi làm thuê kiếm tiền đong gạo đã hơn 10 năm ròng, chỉ mong một ngày ruộng lại có thể cấy cày như ngày xưa…

TIN LIÊN QUAN

“Bờ xôi ruộng mật” bỏ hoang

Chiều muộn, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Lữ, khu dân cư số 11, thôn Hàm Long, xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi) ra đồng. Ông Nguyễn Lữ kể: “Ngày xưa xứ đồng này đất tốt, lúa đạt năng suất cao nhất vùng. Còn bây giờ cô thấy đấy, chẳng lúa nào có thể sống nổi”. Ông Lữ xót xa bảo rằng, giá mà hơn 1.200m2 ruộng lúa nước như ngày nào thì ông đâu phải đi làm thuê, chạy gạo ăn từng bữa. Cả vùng này ngoài ông Lữ còn có 38 hộ dân khác cũng trong tình cảnh có ruộng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hẳn hoi nhưng chẳng thể gieo sạ.

Cầu Hoành kết hợp tràn xả này thực tế đã là đường dẫn nước mặn gây ngập úng, nhiễm mặn gần 30.000 m2 ruộng của người dân Hàm Long.
Cầu Hoành kết hợp tràn xả này thực tế đã là đường dẫn nước mặn gây ngập úng, nhiễm mặn gần 30.000 m2 ruộng của người dân Hàm Long.


Cách đây hơn 10 năm, xã Nghĩa Hà triển khai xây dựng cầu ông Hoành trên trục đường từ thôn Hàm Long đi xã Nghĩa Phú. Cây cầu ngắn chỉ độ 10m này xây xong đã tạo điều kiện thông thương nhưng con đập đất ngăn mặn, giữ ngọt mà nông dân ở đây tự bỏ tiền, bỏ công đắp đã bị đơn vị thi công múc sạch, vét sạch đổ đi. Thay vào đó là cây cầu Hoành trên bê tông dưới kết hợp tràn xả được thiết kế với mục tiêu “ngăn mặn giữ ngọt” thay cho con đập đất. Thế nhưng khi cây cầu hoàn thành cũng là lúc con đập đất biến mất thì nước mặn bắt đầu xâm nhập, dâng cao, tấn công vào gần 30.000m2 ruộng của 39 hộ dân thôn Hàm Long. Nước mặn dâng cao đã xóa sổ hoàn toàn “cây lúa nước” trên diện tích đất ruộng mà trước đó vốn là “bờ xôi ruộng mật”.

Cần tạo điều kiện cho dân sản xuất

Kể từ khi ruộng ngập mặn, xã Nghĩa Hà đã tiến hành cho 39 hộ dân này chuyển đổi cây trồng từ lúa nước sang trồng cây lác (cói) làm nguyên liệu cho nghề đan chiếu. Giống cói được ra tận Nga Sơn (Thanh Hóa) mua về trồng. Cói trồng xuống đến khi cho thu hoạch thì nghề đan chiếu cũng dần mai một. Cói chẳng biết bán cho ai. Thế là nghề nông của 39 hộ dân này chấm dứt. Tất cả đều tự chuyển đổi nghề cho mình. Từ làm ruộng họ bắt đầu đi làm thuê kiếm tiền mua gạo.

Anh Đặng Văn Cư, thôn Hàm Long có 2 sào ruộng ở cánh đồng này nhẩm tính: “Gia đình tôi mỗi năm tiền mua gạo ăn cũng hết khoảng 15 triệu đồng. Ai thuê gì làm nấy, chủ yếu là kiếm tiền mua gạo. Ngày xưa còn ruộng thì đâu có bi đát thế này đâu”. Anh Cư cho biết hơn 10 năm qua, mỗi lần họp dân, anh và các hộ dân có ruộng bị ngập úng, nhiễm mặn đều có ý kiến về việc khôi phục con đập đất để ngăn mặn, giữ ngọt, để dân có ruộng gieo sạ lúa. Thế nhưng cán bộ xã rồi huyện cứ hứa hẹn mãi mà không thấy giải quyết. Giờ thì dân buồn không muốn ý kiến nữa. Ông Đặng Hể- thôn trưởng thôn Hàm Long chỉ nói gọn một câu: Nông dân có ruộng mà bị ngập úng, nhiễm mặn không sản xuất được thì cũng như đi cày mà không có trâu, lên rừng đốn cây mà không có rựa. Mong sao cấp trên quan tâm một là khắc phục con đập, hai là sử dụng quỹ đất công cấp đất cho 39 hộ dân thiệt hại này có đất để sản xuất.

Tuy thực tế ruộng không thể sản xuất, canh tác được từ hơn 10 năm nay, nhưng vào năm 2011, UBND huyện Tư Nghĩa lại xem xét, cấp giấy chứng nhận đầy đủ gần 30.000m2 “ruộng nước” này cho 39 hộ dân thôn Hàm Long.

Chúng tôi liên hệ với UBND huyện Tư Nghĩa để nắm thông tin kết quả giải quyết thắc mắc của 39 hộ dân thôn Hàm Long có ruộng bị ngập úng, nhiễm mặn, nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi là “đất chuyên trồng lúa nước” này thì huyện bảo giờ xã Nghĩa Hà đã chia cắt về thành phố Quảng Ngãi. Thẩm quyền giải quyết là của thành phố. Khi hỏi thành phố Quảng Ngãi thì thành phố bảo chưa nắm được, sắp tới sẽ cho kiểm tra, để xin phương án giải quyết. Còn trao đổi với Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà Trần Thanh Trạng thì ông cho biết việc này xã đã nghe dân phản ánh nhưng thẩm quyền giải quyết là của cấp trên!
 

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.