Khuyến nông Sơn Tây: Loay hoay tìm mô hình hiệu quả

01:06, 14/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc lựa chọn mô hình phù hợp, hiệu quả, giúp nông dân nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống đã, đang và luôn là mối quan tâm hàng đầu của Sơn Tây. Tuy nhiên, để tìm ra mô hình hiệu quả vẫn là vấn đề khá nan giải.

Triển khai nhiều

Mỗi năm huyện Sơn Tây đầu tư thực hiện bình quân từ 3 – 5 mô hình khuyến nông, tập trung chủ yếu là trình diễn lúa nước và chăn nuôi. Với mục tiêu đưa “nền văn minh lúa nước” đến với đồng bào vùng cao, khuyến nông huyện Sơn Tây đã tập trung trình diễn 24 mô hình canh tác lúa nước, gồm: Canh tác lúa thuần, lúa lai, lúa giống; cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác cây lúa nước, giúp người dân nâng cao năng suất lúa từ 3 -5 tạ/ha khi mới tách lập huyện nay tăng lên 41 tạ/ha, thậm chí nhiều nơi đạt 42 tạ/ha. Đối với chăn nuôi, từ thói quen thả rông, nay người dân đã biết chăn nuôi theo phương pháp nhốt chuồng, dự trữ thức ăn, đặc biệt là dự trữ vào mùa mưa lạnh, duy trì, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm khỏi chết đói, chết rét...

Nông dân Sơn Tây chuẩn bị đất để gieo sạ lúa nước.
Nông dân Sơn Tây chuẩn bị đất để gieo sạ lúa nước.


Nhờ đẩy mạnh công tác khuyến nông, người nông dân Ca Dong Sơn Tây đã biết tự  trồng lúa nước, trồng keo, đảm bảo an ninh lương thực, nhiều hộ đã tích lũy, làm giàu. “Khuyến nông ở Sơn Tây không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập, mà còn góp phần đẩy lùi lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất”, ông Trần Quý - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Sơn Tây khẳng định.

Thất bại không ít

Đánh giá về kết quả thực hiện các mô hình khuyến nông trong những năm qua, ngành khuyến nông huyện Sơn Tây thừa nhận rằng vẫn còn nhiều hạn chế. Những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến kết quả này như địa hình, khí hậu, giao thông không thuận lợi; kinh phí đầu tư cho công tác khuyến nông quá ít ỏi, đội ngũ làm công tác khuyến nông chưa có nhiều kinh nghiệm; chính sách khuyến nông chưa thực sự phù hợp… Điểm lại những mô hình được chính những người triển khai nó đánh giá là “hiệu quả thấp – rất thấp” sẽ thấy rõ hơn điều này. Đó là các mô hình: Trồng mây nếp 5ha ở xã Sơn Dung; cây gió bầu ở xã Sơn Bua 16ha, măng Bát Độ 13ha ở xã Sơn Mùa… Các mô hình này dường như chỉ có ngày xuống giống mà không có ngày thu hoạch, không có kết quả để đánh giá tính hiệu quả mô hình.

Về chăn nuôi, hầu như ở Sơn Tây hễ cứ thực hiện mô hình “nuôi gà” là thất bại. Năm 1999– 2000, tại xã Sơn Dung, Sơn Tân triển khai thực hiện mô hình nuôi gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng, với số lượng gần 350 con, nhưng sau khi nuôi một thời gian gà đã chết sạch, vì không hợp với khí hậu, điều kiện sống khá khắc nghiệt ở Sơn Tây.

Đó là chưa kể những mô hình khuyến nông triển khai thực hiện ở Sơn Tây nhưng không thuộc “hệ quản lý” của huyện mà thuộc cơ quan khuyến nông khác, với quy mô, kinh phí khá lớn nhưng kết cục gặp thất bại, lãng phí. Đơn cử như mô hình trồng cà phê trên đất dốc ở xã Sơn Dung. Mặc dù được cán bộ khoa học tính toán kỹ, kể cả dùng máy móc hiện đại để đo nhiệt độ, phân tích đất, nước nhưng khi trồng cà phê xuống, cây cứ chết dần...

Mạnh dạn nhưng phải cân nhắc

Trước những đòi hỏi của thực tế về nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng, góp phần cải thiện đời sống nông dân miền núi, ngành khuyến nông Sơn Tây đã không ngừng tìm kiếm mô hình hiệu quả để triển khai thực hiện. Mới đây, huyện Sơn Tây đã quyết định đưa hai mô hình sản xuất mới vào thử nghiệm. Đó là trồng cây mắc ca và nuôi cá tầm. Trong đó cây mắc ca được chọn trồng ở xã Sơn Bua, Sơn Long và Sơn Liên, với diện tích 6ha. Còn cá tầm được nuôi ở suối Sơn Bua.

Đây là hai loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được thực hiện thành công ở một số tỉnh. Vấn đề còn lại là liệu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Sơn Tây có thích hợp để triển khai các mô hình này không? Rồi đầu ra cho sản phẩm nếu mô hình hiệu quả? Đó là hai câu hỏi mà khuyến nông Sơn Tây phải tìm câu trả lời, kẻo lại đi vào “vết xe đổ” như nhiều mô hình đã triển khai ở huyện miền núi này.

 

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.