Gỡ khó cho ngư dân

10:06, 26/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vượt qua gian khó, hiểm nguy, ngư dân trong tỉnh vẫn vững tin khai thác và đánh bắt hải sản trên các vùng biển của Tổ quốc. Và họ sẽ vững tin hơn nếu không phải canh cánh với nhiều nỗi lo như “được mùa rớt giá”, xăng dầu giá giảm ít, tăng nhiều…

TIN LIÊN QUAN

Được mùa biển

“Từ hồi Tết đến giờ trời êm nên ngư dân chúng tôi cũng tạm no”, chủ tàu Ngô Đình Nguyên ngụ xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) góp chuyện ra khơi đánh bắt trong thời gian qua. “Tạm no” theo ý ông Nguyên là mỗi phiên biển, chủ tàu không bị lỗ tổn, còn anh em đi bạn thì mỗi người cũng bỏ túi gần chục triệu đồng.

Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn giai đoạn II hoàn thành sẽ từng bước hình thành cơ sở hạ tầng nghề cá.
Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn giai đoạn II hoàn thành sẽ từng bước hình thành cơ sở hạ tầng nghề cá.


Còn ngư dân Võ Đình Min ở xã Phổ Quang (Đức Phổ) cũng không giấu được niềm vui khi liên tiếp những phiên biển vừa rồi, chủ tàu như anh không phải chật vật, thấp thỏm lo tàu nằm bờ vì thiếu tiền mua sắm nguyên nhiên liệu. “Nói thật là sau khi trừ chi phí, mình cũng dư dả chút ít. Đó xem như là động lực giúp anh em yên tâm bám biển, kiếm tiền nuôi gia đình”, anh Min chia sẻ.

Không riêng gì ông Nguyên, anh Min mà từ đầu năm đến nay, ngư dân trong tỉnh phấn khởi vì liên tục trúng mùa biển với hơn 74.400 tấn thủy sản được khai thác, đánh bắt, tăng 4.166 tấn so với cùng kỳ năm 2014. Kết quả này cũng đã góp phần thúc đẩy ngư dân mạnh dạn đầu tư sửa chữa, đóng mới, đưa vào khai thác hơn 200 chiếc tàu công suất lớn. “Đây là niềm vui không chỉ của riêng ngư dân. Bởi điều này cho thấy, những chương trình, chính sách hỗ trợ ngư dân của Nhà nước đã bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần gỡ khó cho ngư dân, giúp họ có thêm động lực để yên tâm bám biển, giữ biển”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ nhấn mạnh trong buổi làm việc với Sở NN&PTNT vào sáng ngày 19.6.
 

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Sẽ không để ngư dân phải phụ thuộc vào thương lái”. Theo đó, ngoài Nghị định 67, ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất để hình thành những hệ thống dịch vụ hậu cần, đồng thời phát triển mạnh hệ thống chế biến để trực tiếp thu mua sản phẩm của ngư dân. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch và ban hành chính sách về phát triển thủy sản, đồng thời dành khoảng 4.500 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân, nâng kinh phí đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá từ năm 2015-2020 tăng tối thiểu gấp 2 lần so với giai đoạn 2011-2014…

Còn canh cánh nỗi lo

Tuy được mùa biển nhưng giá trị sản xuất thực tế của ngư dân lại rất thấp. Lý do muôn thuở vẫn là giá cả bấp bênh và ngư dân phụ thuộc quá nhiều vào thương lái. Nói như ngư dân Lê Văn Minh ngụ xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi): “Chúng tôi làm nhiều hưởng ít, lại mất quyền bán sản phẩm”. Điều này nghĩa là, do thiếu vốn nên trước mỗi phiên biển, những chủ tàu như ông Minh phải vay mượn tiền đầu nậu trang trải chi phí, sau đó họ buộc phải bán sản phẩm với giá thấp xem như để khấu trừ. Vì thế mà điều mong mỏi của ngư dân Lê Văn Minh là “được bán sản phẩm cho ai tùy thích, miễn là được giá”.

Còn ngư dân Võ Đình Min thì khắc khoải “mong được đưa tàu về quê”. Ông bảo rằng, nhiều lúc nhìn cửa biển Sa Huỳnh vắng vẻ mà đắng lòng, dẫu biết việc nạo vét, thông luồng đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện suốt nhiều năm qua. Ước mong ấy không chỉ của riêng ông Min mà là của hàng nghìn ngư dân trong huyện Đức Phổ. Thế nên Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ Lê Văn Tân bày tỏ: “Chỉ khi nào cửa Mỹ Á, Sa Huỳnh thông tuyến, rồi cơ sở hạ tầng thu mua chế biến được đầu tư phát triển thì ngư dân Đức Phổ mới bớt khó”.

Chia sẻ vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Huy Hoàng cũng cho rằng, để giúp ngư dân nâng cao giá trị sản xuất, giảm phụ thuộc vào thương lái, thì một mặt chúng ta cần đầu tư trực tiếp cho họ, mặt khác phải tập trung xây dựng các dịch vụ hậu cần ở cảng cá lớn như Sa Huỳnh, Lý Sơn, Sa Kỳ để kích cầu hoạt động sản xuất-tiêu thụ. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến thủy hải sản. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cần nguồn vốn lớn nên phải đợi sự hỗ trợ của Trung ương.     


    Bài, ảnh: MỸ HOA




 


.