Đột phá với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp

09:06, 13/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, trong đó có sự liên kết giữa 4 nhà “nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp”, thời gian qua, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nông thôn Tịnh Trà (HTX Tịnh Trà), huyện Sơn Tịnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

TIN LIÊN QUAN

Từ mô hình cấy lúa hữu cơ

Trước những áp lực về sản phẩm tồn dư quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống thì việc tìm kiếm những hướng đi an toàn sinh học trong sản xuất nông nghiệp là vô cùng cần thiết. Do đó, việc HTX Tịnh Trà tiên phong trong việc thực hiện mô hình cấy lúa hữu cơ là một bước đi đột phá, tạo tiền đề để quy hoạch những vùng sản xuất lúa gạo sạch.

Mô hình cấy lúa hữu cơ được thực hiện tại cánh đồng thôn Phú Thành, xã Tịnh Trà.
Mô hình cấy lúa hữu cơ được thực hiện tại cánh đồng thôn Phú Thành, xã Tịnh Trà.


Ngay sau khi có chiếc máy cấy lúa do Sở KH&CN hỗ trợ, HTX Tịnh Trà đã tiến hành đưa vào sử dụng để cấy khoảng 1,3ha lúa hữu cơ tại thôn Phú Thành, xã Tịnh Trà. Mô hình này được HTX Tịnh Trà phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm, tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện. Đầu ra cho sản phẩm lúa sạch này sẽ được công ty mua với giá 7.300 – 7.500đồng/kg lúa khô.

Việc thực hiện mô hình cấy lúa hữu cơ đem lại nhiều cái lợi như: Tạo ra giá trị gia tăng, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra môi trường xanh – sạch – đẹp, giúp người nông dân bảo vệ được sức khỏe của mình. Đặc biệt mô hình này rất thích hợp với những chân ruộng trũng. Trung bình 1 sào ruộng nông dân thường gieo sạ khoảng 5 kg lúa giống, còn sản xuất lúa hữu cơ, bà con chỉ cần khoảng 1,4 kg lúa giống là đủ.

Trên thực tế thì mô hình cấy lúa hữu cơ đã được HTX Tịnh Trà làm thí điểm vào năm 2013 với quy mô khoảng 0,5 ha ở cánh đồng xã Tịnh Trà và 3ha ở huyện Bình Sơn. Tuy nhiên, lúc ấy HTX chưa có chiếc máy cấy lúa, phải thuê máy ở tận Hà Nội nên chưa thể chủ động trong quá trình thực hiện. Do đó, việc làm chủ được công nghệ máy cấy lúa sẽ giúp HTX có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện mô hình này.
 

Đầu tư thêm mô hình cà gai leo
Bên cạnh mô hình sản xuất lúa hữu cơ, trồng bắp lấy thân, sắp đến HTX Tịnh Trà còn thực hiện mô hình trồng cây cà gai leo với diện tích khoảng 8 ha. Việc đầu ra cho cây dược liệu này cũng đã được HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH Tuệ Linh. Theo tính toán của HTX thì việc trồng cây cà gai leo sẽ đem lại hiệu quả cao hơn so với trồng bắp, mì trong khi thời gian thu hoạch lại ngắn hơn.

Ông Huỳnh Thuận – Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà và cũng là một trong những người trực tiếp tham gia thực hiện mô hình cấy lúa hữu cơ đầu tiên ở  Quảng Ngãi cho biết: “Sau khi nghe HTX Tịnh Trà giới thiệu về mô hình cấy lúa hữu cơ, vụ hè thu năm 2013, chính gia đình tôi đã tham gia làm thử 6 sào. Qua quá trình thực hiện, tôi thấy mô hình này thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ năng suất tăng khoảng 2 tạ/ha so với cách làm cũ, mà người nông dân có thể tiết kiệm được chi phí đầu tư, từ đó lợi nhuận tăng lên”.

Đến trồng bắp lấy… thân

Đối với nông dân Quảng Ngãi, việc trồng bắp từ trước đến nay đã quá đỗi quen thuộc. Thế nhưng trồng bắp sữa lấy thân thì trước giờ họ chưa nghĩ tới. Ông Nguyễn Canh, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) chia sẻ: “Trước đây tôi vẫn hay trồng cây bắp lai lấy trái nên thường xảy ra dịch bệnh dẫn đến năng suất thấp. Vụ nào thất thu thì chỉ có thể cắt cho bò ăn. Vậy mà vụ vừa rồi, sau khi chuyển sang trồng cây bắp sữa để bán cho Công ty Việt Hoa ở tỉnh Quảng Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc làm thức ăn cho gia súc thấy hiệu quả hơn hẳn”.  

Mô hình sản xuất bắp sữa lấy thân được HTX Tịnh Trà phối hợp với Công ty Cổ phần Việt Hoa ở tỉnh Quảng Nam trồng thí điểm đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi với quy mô 10ha. Trong đó, Công ty cổ phần Việt Hoa ký hợp đồng với HTX Tịnh Trà sẽ cho mượn giống và thu mua toàn bộ sản lượng bắp sữa lấy thân khi đến kỳ thu hoạch với giá cam kết từ 900 – 950 nghìn đồng/tấn tại ruộng. Tính ra, trung bình 1ha bắp sữa, người dân sẽ thu về khoảng 50 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng lúa trên cùng diện tích.

Không chỉ ông Canh mà nhiều nông dân tham gia thực hiện mô hình đều cho rằng việc trồng cây bắp sữa lấy thân cho giá trị kinh tế cao hơn trồng bắp lai lấy trái. Hơn nữa, trồng bắp sữa lấy thân chỉ khoảng 80 ngày là cho thu hoạch, trong khi đó, trồng cây bắp lai phải mất hơn 100 ngày mới thu hoạch được. Do đó, bà con nông dân có thể trồng được nhiều vụ trong năm mà không lo đến những bất lợi của thời tiết cũng như sâu bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt bắp.

Ông Lê Văn Chương – Chủ nhiệm HTX Tịnh Trà cho biết: Mặc dù đây là mô hình mới nhưng đã cho năng suất khá cao. Đặc biệt cây bắp sữa lấy thân này rất thích hợp với đất cát bạc màu. Vì vậy nếu như mô hình này được nhân rộng sẽ mang lại hướng đi mới cho người nông dân.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.