Doanh nghiệp được kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm

07:06, 03/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Đầu tư sửa đổi (được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII) sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7 tới. Một trong số những thay đổi căn bản của luật là giảm thiểu các quy định về cấp giấy phép kinh doanh, tạo điều kiện để nhà đầu tư, DN hoạt động.

TIN LIÊN QUAN

Quá nhiều thủ tục hành chính

Trước khi Luật Đầu tư sửa đổi được ban hành, cả nước có 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định phân tán tại 391 văn bản pháp luật (gồm 56 luật, 8 pháp lệnh, 115 nghị đinh, 176 thông tư, 26 quyết định của các bộ trưởng và 2 văn bản của bộ). Có thể nói doanh nghiệp đã rơi vào “thiên la địa võng” thủ tục hành chính do chính các bộ ngành và địa phương tạo ra.

Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực sẽ giúp DN tự do kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực sẽ giúp DN tự do kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm.


Các điều kiện kinh doanh cũng được thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức bao gồm giấy phép (171 loại giấy phép), giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (62 loại giấy chứng nhận), chứng chỉ hành nghề (53 loại chứng chỉ), xác nhận vốn pháp định (11 ngành nghề) và có tới 345 ngành nghề yêu cầu phải được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thậm chí mỗi địa phương cũng có những điều kiện, thủ tục riêng. Chính sự chồng chéo trong việc ban hành các quy định sẽ dễ làm phát sinh tiêu cực trong quá trình xin cấp giấy phép, giấy chứng nhận...

Khi nói về sự đồ sộ của hệ thống các điều kiện kinh doanh, đại diện các doanh nghiệp (DN) cho biết, bản liệt kê các quy định về điều kiện kinh doanh dày gần 900 trang, với khoảng 6.000 điều kiện. Ngoài ra, còn nhiều quy định về hồ sơ, thủ tục, thời gian để đáp ứng đủ những điều kiện đó, nếu liệt kê hết còn nhiều hơn nữa.

Những tín hiệu tích cực

Sự chồng chéo của các quy định là một dạng rào cản gia nhập thị trường, làm tăng chi phí, thời gian và gây bất bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là DN vừa và nhỏ. Những thay đổi trong Luật Đầu tư được thông qua trong năm 2014 đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Với việc giảm thiểu các quy định về giấy phép kinh doanh, bãi bỏ việc xác định vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề… các DN có thể tự do kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm. Từ ngày 1.7.2015 sẽ chỉ còn sáu ngành nghề kinh doanh bị cấm và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo Sở KH&ĐT, Luật Đầu tư sửa đổi có nhiều sự thay đổi quan trọng so với quy định hiện tại về hình thức đầu tư, quy định mới về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư… Về hình thức đầu tư, Luật Đầu tư sửa đổi đã bỏ một số hình thức đầu tư như: Hợp đồng BOT, BTO, BT; đầu tư phát triển kinh doanh; đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp. Đồng thời, luật sửa đổi cũng đã bổ sung hình thức đầu tư theo hợp đồng đối tác công tư (hợp đồng PPP). Theo đó, nhà đầu tư, DN, dự án sẽ ký kết hợp đồng PPP với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư sửa đổi đã mở rộng đối tượng không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận điều kiện đầu tư (GCNĐKĐT) như: Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế… Đối với trường hợp có nhu cầu cấp GCNĐKĐT, nhà đầu tư có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục cấp giấy này. Ngoài ra, Luật Đầu tư sửa đổi cũng đã bỏ quy định “Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” so với Luật Đầu tư năm 2005. Theo đó, Nhà đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 1.7.2015 được thực hiện dự án đầu tư theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Trường hợp có yêu cầu, cơ quan đăng ký đầu tư cấp đổi sang GCNĐKĐT cho nhà đầu tư.

Luật Đầu tư sửa đổi cũng có những quy định mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Trong đó, Luật cụ thể hóa một số ngành nghề ưu đãi đầu tư như: Sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng… và loại bỏ các ngành, nghề truyền thống khỏi lĩnh vực đầu tư được hưởng ưu đãi; dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn ba năm kể từ ngày được cấp GCNĐKĐT hoặc quyết định chủ trương đầu tư; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ…
 

Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 


.