"Đỏ mắt" tìm truyền nhân

10:06, 30/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều làng nghề một thời hưng thịnh giờ chỉ còn lác đác vài người còn làm nghề. Vừa chật vật giữ nghề, vừa “đỏ mắt” tìm “truyền nhân” khiến những bậc lão làng ở làng nghề tặc lưỡi ví von: “Giờ tìm truyền nhân còn khó hơn ngậm ngải, tìm trầm”.

TIN LIÊN QUAN


Thầy giỏi

80 năm tuổi đời, 65 năm tuổi nghề, ông Đỗ Thị là người gắn bó với nghề lâu năm nhất của làng nghề đúc đồng Chú Tượng, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) vang danh một thuở. Gần như cả cuộc đời làm nghề, từ những vật dụng đơn giản như nồi đồng, khuyên tai, lục lạc cho người miền ngược đến những thứ đòi hỏi kỹ thuật nghề phức tạp như đúc chuông, điều khiển sao cho chuông ngân âm trầm, âm bổng… ông Thị đều rành rọt.  Đối với ông, đúc đồng không chỉ để mưu sinh, mà còn là nghệ thuật. Vậy nên, những hình ảnh tứ linh, tứ long, cúc, mai, liễu… ông đều tự điêu khắc, trang trí chứ không sản xuất theo kiểu rập khuôn, trăm cái như một. Bởi vậy, cái tên Đỗ Thị- làng Chú Tượng gắn với nhiều giai thoại, lưu truyền đi muôn nơi.

Ông Đỗ Thị, bậc thầy làng đúc đồng Chú Tượng vẫn theo đuổi nghiệp đúc đồng dù đã bước sang tuổi 80.
Ông Đỗ Thị, bậc thầy làng đúc đồng Chú Tượng vẫn theo đuổi nghiệp đúc đồng dù đã bước sang tuổi 80.


Ông kể: “Vào khoảng năm 1960, lúc mới vào nghề. Cũng vì tự ái khi ông Bang Chương- người giàu có nức tiếng ở Hành Phước (Nghĩa Hành) vì không vừa ý với chiếc chuông đặt hàng từ làng Chú Tượng mà bực dọc buông câu: Làng Chú Tượng nay tiệt thợ đúc chuông rồi. Tôi lặn lội tìm đến nhà ông Bang Chương và chấp nhận lời thách đố rằng nếu không đúc được chiếc chuông vừa ý ông Bang Chương thì một cắc tôi cũng không nhận”.

Ngày chuông hoàn thành, vừa nghe tiếng chuông, ông Bang Chương đã tha thiết xin được thỉnh chuông về. Nhưng phải mất hai mùa trăng “xuống nước”, ông Bang Chương mới nhận được cái gật đầu đồng ý trao chuông của người thợ đúc đồng non tuổi đời nhưng “già” tay nghề - Đỗ Thị. Làm hài lòng cả người nổi tiếng khó tính, tay nghề đúc chuông của ông Đỗ Thị lập tức lan truyền. Chuông chùa Thình Thình, Quang Hiển, Đức Phú, Diệu Giác… cũng một tay ông đúc nên. Ngay cả người dân ở các tỉnh Bình Định, Gia Lai… cũng tìm về Chú Tượng nhờ ông đúc chuông đồng.

Ngay cả nhà điêu khắc Hồ Thu ở TP.HCM cũng tìm về tận làng Chú Tượng nhờ ông đúc tượng cha mẹ mình. Dùng đất sét tạc khuôn cho chuông, cho nồi đồng đã khó. Giờ đúc tượng người với nhiều đường nét tinh xảo lại càng khó hơn. Nhưng ông Đỗ Thị vẫn nhận lời. Lúc đến thỉnh tượng về, nhà điêu khắc Hồ Thu đã phải bái phục ông, vì  dù không qua trường lớp đào tạo nào, nhưng lại có thể đúc ra cặp tượng có hình dáng, thần thái giống hệt thân sinh mình.

Nhưng thiếu trò

Gắn bó với nghề đúc đồng từ lúc làng Chú Tượng có đến hơn 100 người thợ cả đúc đồng thâu đêm suốt sáng, cho đến tận bây giờ, khi chỉ còn có vài người giữ nghề. Ông Đỗ Thị rầu rĩ: “Có một khoảng thời gian, sản phẩm làm ra không tìm được người mua nên mọi người lần lượt chuyển nghề. Giờ, trừ khi việc làm ăn ở miền Nam thất bát, thì may ra mọi người mới nhớ và quay về quê làm nghề thôi”.

Ba năm trước, nghe tin tỉnh có chủ trương mở lớp dạy nghề đúc tại Đức Hiệp để khôi phục lại làng nghề đúc đồng Chú Tượng, ông Thị mừng lắm. “Chỉ cần tập hợp được 20-30 người chịu học là tôi sẽ đứng ra truyền hết các kinh nghiệm, bí quyết làm nghề. Ai dè chẳng ai thiết tha với nghề nên không mở lớp được.  Ý định truyền nghề vì thế mà bất thành”, ông Thị tiếc nuối.

Cùng chung nỗi khắc khoải với bậc thầy làng đúc đồng Chú Tượng, ông Lê Luông, người gắn bó với nghề làm đường muỗng (muỗng là một loại dụng cụ đựng đường được làm bằng đất nung) đã 40 năm ở Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) trầm tư: “Đường muỗng- loại đường được nấu lên từ mía từng một thời vàng son, giờ chẳng còn mấy ai giữ nghề. Như ở Nghĩa Dõng này, trước đây nhà nào cũng nấu đường muỗng, giờ chỉ còn mỗi tôi”.

Nghề làm đường muỗng từ mía lắm công phu. Từ lúc còn là nước mía cho đến khi nước mía cô đặc lại thành mật rồi đổ vào muỗng chờ kết tủa, người thợ nấu đường phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Ngay cả khi mật đã nguội dần, kết tủa trong muỗng, người thợ nấu đường cũng chưa được nghỉ tay mà phải tiếp tục đổ một lớp bùn non lên mặt đường. Công đoạn này khiến mật mía còn sót lại trong muỗng bị đẩy dần xuống dưới giúp đường sạch mật và trắng hơn. Khi đã rút hết mật (khoảng 7-10 ngày) người ta mới đem phơi nguyên khối đường ngoài nắng sau đó chặt thành từng khối nhỏ. Khối đường trắng hơn người ta gọi là đường bạch, phần đít muỗng còn chứa nhiều mật, người ta gọi là đường đen.

Làm đường bằng phương pháp thủ công quá phức tạp nên khi Nhà máy Đường Quảng Ngãi đi vào hoạt động, đường kính trắng được sản xuất đại trà và bán với giá rẻ, thì đường muỗng bị “thất thế” trên thị trường. Những làng đường muỗng như Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), Suối Bùn (Nghĩa Hành), Bình Mỹ (Bình Sơn), Trà Bình (Trà Bồng), Thọ Lộc (Sơn Tịnh)… dần biến mất. “Tốn công sức vậy, mà giá đường muỗng chỉ hơn đường trắng 1 nghìn đồng/ký thì ai còn muốn theo nghề này mà truyền nghề?”, ông Luông nói.
 

Bài, ảnh: Ý Thu
 


.