Cuộc sống nông dân đảo lộn vì nắng gắt

10:06, 11/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nắng nóng kéo dài thời gian qua đã làm cho mặt đất khô khốc, hoa màu héo úa, tại các vựa rau, bà con đang nỗ lực tìm cách chống hạn. Cuộc sống nông dân trong vùng đã bị đảo lộn.

Ra đồng từ tờ mờ sáng

Làng giữa sông Trà, thôn Ân Phú, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) lâu nay quanh năm bốn bề nước. Nhưng thời điểm này, trên đồng đất hoa màu xác xơ, những thửa bắp, đồng dưa cong queo trong nắng sớm. Để giữ được mảng màu xanh trên cát trắng trong mùa này, người dân nơi đây phải gồng mình thức thâu đêm để lấy nước tưới liên tục cho hoa màu.  

Vì nắng nóng kéo dài nên người dân phải tăng cường tưới nước để rau sinh trưởng, phát triển tốt.
Vì nắng nóng kéo dài nên người dân phải tăng cường tưới nước để rau sinh trưởng, phát triển tốt.


“1 giờ sáng, có nhà đã ra đồng. Đến 4 giờ sáng là cả làng đồng loạt thức giấc, lục đục kéo dây đi chạy nước tưới hoa màu. Đèn điện, đèn pin trong làng, ngoài đồng sáng trưng như thế hơn 1 tháng qua rồi. Nhà nào không theo nước nổi thì hoa màu chết cháy, thất thu ngay”– ông Nguyễn Đức chỉ vào đống bắp teo tóp trước nhà nói.

Trên 3 sào đất ven sông Trà, ông Đức phân ra thành nhiều khoảnh để trồng bắp, cà pháo và cỏ voi. Kể từ khi ông đặt hạt giống xuống là ngày nào ông cũng túc trực ngoài đồng. Lúc thì làm cỏ, bón phân, tưới nước. Đến khi hoa màu trổ hoa, kết trái thì cũng là lúc nắng nóng lên đỉnh điểm. Không trụ nổi với nắng nóng, ông Đức đành ra đồng vào ban đêm. Cứ 4 giờ chiều, ông kéo dây điện, gắn mô tơ, tưới nước đến tối mịt mới về. Vì đất pha cát nên nước chảy đến đâu, đất hút đến đó. Để hoa màu tươi xanh trong ngày hôm sau, 4 giờ sáng ông lại ra đồng kéo dây tưới nước... Liên tục chạy nước nên tính ra tiền điện quá cao và sức khỏe ông không đảm bảo để thức khuya, dậy sớm nên ông Đức bỏ cuộc nửa chừng. Những thửa hoa màu của ông héo cháy, những thửa bắp trong thời kỳ kết hạt háp nắng teo tóp dẫn đến thất thu.  

Hơn 4 sào hoa màu của anh Nguyễn Tấn Đạt cũng trong tình trạng khô héo. Tuy vậy, gia đình anh có cả thảy 5 miệng ăn và các con anh lại đang tuổi đến trường nên dù nắng nóng có gay gắt anh vẫn theo đến cùng. Trước đây, thay vì cả ngày anh ở ngoài đồng thì giờ anh cũng chuyển qua làm ban đêm. Bắt đầu một ngày làm việc đồng áng của anh từ 1 đến 8 giờ sáng. Anh hết xoay chăm sóc luống dưa, đậu đũa thì quay sang tưới nước khổ qua. Nắng lên cỡ cây sào là anh về nghĩ ngơi cơm nước và chăm sóc đàn bò.

Đặc thù ở làng giữa sông Trà là không có ruộng, kênh mương, đập thủy lợi. Bà con nơi đây mưu sinh chủ yếu là trồng hoa màu, trồng cỏ và chăn nuôi bò. Mùa mưa thuận lợi nên bà con dễ dàng trồng rau bán để đong gạo. Còn mùa này, nhà nhà trồng bắp để làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Nguồn tiền từ chăn nuôi được xem là thu nhập chính của mỗi gia đình. Vì thế, trước cái nắng đỉnh điểm này, để có nguồn thu, bà con cả làng giữa sông Trà phải ra đồng ban đêm kéo nước trong lòng đất lên tưới cây. Cuộc sống theo đó cũng bị đảo lộn.
 

Lo cho gia súc

Ngoài đồng thì cỏ cháy, hoa màu khô héo, trong làng, cái nắng nóng vẫn hầm hập bao vây trên mỗi nóc nhà, chuồng gia súc. Ông Võ Văn Dự (73 tuổi), ở thôn Ân Phú, xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi) tâm sự: Ban đêm bà con tranh thủ ra đồng thì ban ngày ở nhà lo cho đàn gia súc trốn nắng. Nhiều gia đình đã tận dụng lá cây khô phủ lên mái chuồng rồi bơm nước, có hộ thì dắt bò ra bóng cây, ra sông tắm. Đáng lo nhất là nguồn thức ăn cho chúng. Đồng khô, cỏ cháy, bắp thất thu nên nhà nhà đều phải chăm sóc cỏ sữa, cỏ voi như chăm sóc chính hoa màu, để cho bò có cái mà ăn”.      

                        M.H

“Bội chi” vì tốn tiền điện, nước

Gặp chúng tôi giữa cánh đồng rau của mình, ông Phạm Xuân, thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) thở dài: “Rau giờ sụt giá rồi. Vài ngày trước ở đây ai cũng phấn khởi vì giá rau, giá ớt cao. Còn bây giờ, giá điện, giá xăng lại tăng, chúng tôi gặp nhiều khó khăn lắm, thu vô thì ít, mà chi ra quá nhiều”.

Giống như ông Xuân, nhiều hộ dân trồng rau ở vùng chuyên canh này cũng gặp không ít khó khăn khi nắng nóng kéo dài. Đang loay hoay tháo nước cho mấy sào ớt của mình, ông Phan Kế Tấn (50 tuổi), thôn 6, xã Nghĩa Dũng cho biết: “Cứ 2 đến 3 ngày là phải chạy nước một lần, mà một lần chạy như vậy cũng hơn 3 tiếng đồng hồ mới thấm đất. Dạo này nắng nóng kéo dài, ớt chết toi, trái thì chưa chín đã bị nám cháy, thu hoạch cũng bị hao hụt nhiều. Mùa nắng năm nào cũng tưới nước, nhưng năm nay khắc nghiệt nên thiệt hại nhiều hơn”.

Cánh đồng hơn 10ha ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng được xem là vùng trồng rau lớn nhất nhì của tỉnh. Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này sự phì nhiêu để hoa màu dễ phát triển. Thế nhưng thời gian gần đây, nhiều loại vật tư, giá cả, đặc biệt là giá điện và xăng tăng cao trong khi thời tiết chuyển biến khắc nghiệt nên nhiều hộ nông dân ở đây gặp không ít khó khăn do “bội chi” trong sản xuất.

Trong khi đó, đến thời điểm này anh Nguyễn Bình ở thôn Ân Phú, xã Tịnh An đã đổ vốn khoảng 70 – 80 triệu đồng, nên anh phải gồng sức mình mà chăm sóc cho dưa. Trên 16 sào dưa trong thời kỳ cho trái của anh cũng đang chịu cảnh khô hạn. “Không theo nước thì có bỏ thôi. Nắng dữ quá. Trên diện tích này, phải đặt hai mô tơ DK20, chạy nước liên tục mà có thừa đâu. Nước chảy đến đâu rút hết đến đó. Làm dưa hơn 10 năm rồi, nhưng chưa có năm nào gặp khó như năm nay. Thường đất pha cát mà có nước tưới đầy đủ thì dù có nắng vẫn không lo lắm, nhưng năm nay chạy nước liên tục mà vẫn sợ thất thu”– anh Bình cho biết.
 

Mai Hạ-Đình Diệu



 


.