32 thuyền viên bị nạn trở về an toàn: Mừng lắm, lo nhiều

02:06, 24/06/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng sớm 24.6, toàn bộ thuyền viên tàu cá QNg 95429 TS (do anh Đỗ Mai Tấn sinh năm 1972, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) gặp nạn trên vùng biển quần đảo Trường Sa hôm 17.6, đã về đến quê nhà.

Niềm vui vỡ òa, những giọt nước mắt mừng cuộc trùng phùng lăn trên gò má của những người mẹ, người vợ. Thế nhưng nước mắt ấy sẽ kéo dài những ngày tháng tới, vì sự toàn bộ tài sản của ngư dân đã bỏ lại trong lòng đại dương, trắng tay, nợ nần vây quanh chưa biết đến bao giờ mới trả được.

* Nước mắt trùng phùng

Sáng sớm tinh mơ, trụ sở UBND xã Bình Chánh đã rộn bước chân người, tiếng nói cười rôm rả. Người thân của 32 ngư dân đã ngồi chờ từ khuya ào đến ôm thật chặt, nghẹn ngào không nói nên lời khi các ngư dân vừa bước xuống xe ô tô.

Mừng vui đón người thân tàu cá bị nạn QNg 95429 TS trở về.
Mừng vui đón người thân tàu cá bị nạn QNg 95429 TS trở về.


Chị Huỳnh Thị Tín ở xóm Cù Lao, Bình Chánh đã đợi con trai Nguyễn Tấn Hợp hơn 3 giờ đồng hồ, cầm đôi dép nhựa mang vào cho con trai, bà không kìm nén được cảm xúc đã bật khóc. “9 ngày nay, kể từ khi nghe tin tàu bị giông lốc nhấn chìm trên biển, mẹ không ăn ngủ được, chỉ mong trời thương, người thương con và các anh em trên tàu cho anh em được bình an trở về. Nay con đã về thật rồi!”.

Cụ ông 87 tuổi Nguyễn Chỉ, ở xóm Cù Lao, Bình Chánh dù không có con, cháu đi trên tàu cá QNg 95429TS nhưng cụ cũng dậy từ sớm đạp xe 4km đến UBND xã đón 32 ngư dân. “Tội nghiệp quá, may quá các cháu được cứu sống! Thương chúng nó lắm nên phải ra tận đây đón” – cụ Chỉ chia sẻ.

Trong số 32 ngư dân trở về, có 2 ngư dân không có người thân đến đón. Ngư dân trẻ Phạm Công Minh, thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh tâm sự: “Ba em đang đi biển câu mực ở Trường Sa. Mẹ thì đang ốm nằm nhà không đến đón em được”. Phạm Công Minh mới 18 tuổi, đây là phiên biển thứ 2 của em. Phiên trước sau 2 tháng câu mực em kiếm được 10 triệu đồng phụ giúp mua gạo, chữa bệnh cho mẹ. Em đang học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, em nghỉ học đi biển.

Một ngư dân trẻ khác là Tiêu Viết Diều, ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (Bình Sơn) đi trên tàu QNg 95429 TS không có người thân đến đón. “Ba mẹ em già, lại không biết đi xe máy, từ Bình Trị lên Bình Chánh quá xa không thể đi bộ nên không đến đón em được. Nhưng ba mẹ rất mừng khi em được cứu sống trở về”.

* Tình người trước biển khơi
    
Sự trở về của 32 thuyền viên tàu cá QNg 95429 TS như một huyền thoại, bởi theo kinh nghiệm của những người đi biển lâu năm thì khi gặp giông lớn nhấn chìm tàu khó lòng mà ứng cứu vì khi ấy sóng to, gió lớn lại vào lúc nửa đêm. Thế nhưng một chút ít may mắn lại đến với 32 ngư dân này.

May mắn được cứu sống nhưng sự trở về trắng  tay là nỗi lo quá lớn của gia đình chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá QNg 95429 TS Đỗ Mai Tấn.
May mắn được cứu sống nhưng sự trở về trắng tay là nỗi lo quá lớn của gia đình chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá QNg 95429 TS Đỗ Mai Tấn.


Nhờ kết nối với tàu cá QNa 94545 TS do ông Lê Rí (Quảng Nam) làm thuyền trưởng, chủ tàu nên khi giông vừa ập đến, tàu cá của Quảng Ngãi đã phát tín hiệu ứng cứu và tàu Quảng Nam đã bắt được tín hiệu. Không quản mưa giông, đêm tối, tàu cá của Quảng Nam đã vượt hơn 10 hải lý đến cứu ngư dân kịp thời. Chiếc tàu cá Quảng Nam của ông Lê Rí gần 1.000 mã lực, rộng 7,2 mét, dài 25 mét đã phải chứa đến 82 ngư dân (tàu ông Lê Rí có 50 ngư dân và 32 ngư dân tàu cá Quảng Ngãi vừa cứu) lênh đênh trên biển suốt 3 ngày. Các ngư dân Quảng Ngãi được chăm sóc chu đáo, được chia sẻ từng miếng cơm, ly nước ngọt, viên thuốc kháng sinh để lành vết sẹo do bị va đập trên tàu trong cơn giông.

Câu chuyện kể về kỳ tích vượt giông lốc trở về từ biển củ 32 ngư dân có cả sự biết ơn đối với các anh bộ đội tàu Hải quân 636 của Bộ Tư lệnh Vùng II Hải quân (đóng tại tỉnh Đồng Nai) đã ra tận biển đón các anh từ tàu cá của Quảng Nam QNa 94545 TS đưa về cập cảng Hải đoàn 129, thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) an toàn.

* Trở về trắng tay…

Chị Nguyễn Thị Dung – vợ chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá QNg 95429 tất tả ra đón chồng từ giữa đêm khuya. Chị Dung ôm chặt chồng không nói nên lời. Phải một lúc sau, chị mới nghẹn ngào: “Trời thương cho anh và các anh em bình an trở về với gia đình là hạnh phúc nhất đời em. Cảm ơn tất cả mọi người đã cứu giúp”.

Chúng tôi theo chân chủ tàu Đỗ Mai Tấn về tận nhà anh ở xóm Cù Lao, xã Bình Chánh. Ngôi nhà cấp 4 đơn sơn nằm lọt thỏm trong xóm nhỏ. Cha già, con dại quây quần bên anh. Vây quanh anh là nước mắt của người thân, hàng xóm. Chị Dung vợ anh vừa mừng chồng trở về từ sóng dữ, nhưng lo xót dạ món nợ gần 1 tỷ đồng nợ tiền đóng tàu không biết lấy đâu ra để trả.

Anh Tấn sau giờ phút sống sót mới hoàn hồn nhớ lại: “Tàu đã ra khơi được 1 tháng. Lúc tàu chìm đã câu được 15 tấn mực. Nếu không bị chìm tàu, số mực ấy bán cũng được 1,2 tỷ đồng”. Rồi anh nhẩm tính: Lần bị nạn này tôi và các anh em mất đứt gần 5 tỷ đồng. Trong đó chiếc tàu 3 tỷ, tổn đi biển 600 triệu, tiền 15 tấn mực là 1,2 tỷ nữa, cộng với vật dụng hành nghề câu mực. “Biết bao giờ mới gỡ lại được món nợ này. Mong hãy cứu chúng tôi thêm một lần nữa. Hãy giúp chúng tôi cơ hội đóng được tàu mới để vươn khơi kiếm tiền trả nợ” – anh Tấn nghẹn lòng!
 

                       Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.