Vùng 5 đổi thay

10:05, 03/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vào dịp tháng 3, tháng 4 hằng năm, ai có dịp đi qua thôn Vinh Hiển (còn gọi là thôn Vùng 5), xã Phổ Thuận (Đức Phổ) đều thấy màu cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ từ đầu làng đến cuối xóm. Ở đây, trong những ngày này, nhà nào cũng cắm cờ Tổ quốc để kỷ niệm ngày quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất.

Một lòng đi theo cách mạng

Ông Lê Tiến Dũng, một du kích xã trụ bám tại Vùng 5 trong chiến tranh và trong thời bình làm chủ nhiệm HTX, rồi Bí thư chi bộ thôn Vinh Hiển trong nhiều nhiệm kỳ kể lại: “Vùng 5 là một phần được tách ra từ làng Vinh Hiển xưa. Đây là một thôn nằm ven Quốc lộ 1, đất đai không rộng lắm, chỉ có 135ha lúa, đất màu và 82ha đất ở, không có núi đồi. Vậy mà trong chiến tranh, nhất là thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nơi đây nổi tiếng là một vùng căn cứ cách mạng, quyết chí bám trụ, không hề theo giặc nên từ năm 1967 đến 1970 được Huyện ủy Đức Phổ chọn làm nơi đứng chân để lãnh đạo quân dân trong huyện vùng lên đánh giặc cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn”.

Nét yên bình của làng quê thôn Vinh Hiển.
Nét yên bình của làng quê thôn Vinh Hiển.


Vùng 5 là một trong những nơi phải chịu đựng rất nhiều ác liệt trong chiến tranh. Biết bao lần giặc đã càn qua, quét lại, dội bom, bắn pháo lên mảnh đất này, làm tan cửa nát nhà và sát hại nhiều người dân vô tội. Không những thế, chúng còn cho xe ủi cả ruộng vườn, nhà cửa hai bên đường rồi lập hàng rào bằng 3-4 lớp bùng nhùng dây thép gai tạo thành dải đất trắng hai bên đường để bảo vệ đường lên đồn bót của giặc ở núi Chóp Vung. Dọc phía tây Quốc lộ 1, trên quãng đường đi qua Vùng 5, nơi từ xưa rợp bóng tre xanh, khi Mỹ ngụy san ủi đã biến xóm làng này thành vùng đất trắng, nhân dân bị chúng ép vào khu dồn hoặc phải tản cư đi nơi khác, nhưng rồi sau đó đồng bào Vùng 5 vẫn tìm cách quay về trụ bám làng quê, ủng hộ cách mạng.

Tuy bị địch kèm kẹp ác liệt, nhưng người dân Vùng 5 vẫn dũng cảm vùng lên đánh giặc rất kiên cường. Như ngày 17.1.1969, Mỹ ngụy liên tiếp càn quét xóm 21 để chuẩn bị lập khu dồn ở đây. Trong trận càn, lính Mỹ lùng tìm khắp xóm, thảm sát 14 người, trong đó có 2 trẻ em và một phụ nữ đang mang thai. Dù vậy, trước sự bám đánh của bộ đội và du kích xã Phổ Thuận, buộc chúng phải bỏ kế hoạch lập khu dồn tại Vùng 5. Trên địa bàn Vùng 5 còn diễn ra nhiều trận đánh thắng giòn giã như tháng 12.1972, một tổ du kích xã đã dũng cảm chặn đoàn xe 4 chiếc của địch diệt 1 tên, đốt cháy 2 xe và phá hủy 2 xe...

Tươi xanh “vùng trắng”

Trải qua chiến tranh, đồng bào Vùng 5 chịu rất nhiều đau thương mất mát. Toàn thôn hiện có 737 hộ với 3.359 khẩu thì đã có 136 liệt sĩ, 69 thương binh, 10 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cho đến bây giờ, nhiều người dân vẫn còn quen thuộc với cụm từ “thôn trắng Vùng 5” để chỉ trong chiến tranh nơi đây bị giặc tàn phá rất nặng nề.

Điêu tàn sau chiến tranh, nhân dân “vùng trắng” cùng nhau vươn lên, để đến nay nhìn lại, dân làng rất hài lòng khi Vùng 5 đã đổi thay rất nhiều. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới, bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo Chương trình IPM... nên năng suất lúa đạt từ 60-65 tạ/ha (tăng hơn 20 tạ so với trước năm 1990). Trong thôn đã mua sắm được 7 máy gặt đập liên hợp, chủ động được khâu làm đất và thu hoạch, giảm giá thành thu hoạch lúa. Trong chăn nuôi, nhờ có chương trình khuyến nông, bà con đã phát triển đàn bò lai trong thôn lên đến 578 con, chiếm khoảng 80% tổng đàn. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ từng bước phát triển đã dần cải thiện thu nhập cho người dân. Qua đó, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 4,5%, đa số hộ đều đã xây cất được nhà cửa khang trang và mua sắm được tiện nghi sử dụng trong gia đình.

Đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, người dân lại đồng lòng tự nguyện đóng góp công sức, tiền bạc để  làm 6 tuyến đường bê tông xi măng nông thôn, với tổng chiều dài gần 2,2km. Nhờ đó, từ vùng trũng đường đất lầy lội năm nào giờ đã được bê tông xi măng cứng hóa thông suốt các đường đi lối lại trong thôn. Có đường đi lại thuận tiện, người dân lại tự nguyện góp vốn cùng với nguồn tài trợ của con em quê hương nơi xa để lắp hệ thống điện đường thắp sáng trong thôn xóm, làm cho thôn căn cứ Vùng 5 càng trở nên nổi bật mỗi khi đêm về.

Sau 40 năm, Vùng 5 bây giờ đã thật sự là một bức tranh nông thôn sinh động với nhiều gam màu sáng, khẳng định tinh thần đoàn kết cộng đồng và ý chí không ngừng vươn lên của người dân vùng căn cứ cách mạng.

Đất sinh Anh hùng



Vùng 5 còn là nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho cách mạng như Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tròn, nổi tiếng đánh giặc giỏi trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã bao lần làm cho bọn giặc phải khiếp sợ. Trong cuốn sách “Truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Phổ Thuận giai đoạn 1930-1975” còn ghi lại những chiến công hiển hách có sự tham gia trực tiếp của Anh hùng Nguyễn Văn Tròn như sau: “Ngày 20.9.1973, phối hợp với hoạt động chung của huyện, tổ du kích xã Phổ Thuận do đồng chí Nguyễn Văn Tròn xã đội trưởng chỉ huy đã hóa trang lính Sư đoàn 2 từ ngã tư Thạch Trụ đón xe đi vào xóm 24, thôn Vinh Hiển (Vùng 5) bất ngờ diệt gọn một tiểu đội nghĩa quân đang lùng sục tại xóm 24, diệt 4 tên, bị thương 3 tên, bắt sống 1 tên và thu 1 súng M79”.

Ba tháng sau, “vào ngày 10.12.1973, tổ du kích gồm 5 người do xã đội trưởng Nguyễn Văn Tròn chỉ huy đi trên một chiếc xe jeep “mượn” của sĩ quan ngụy ở thị xã Quảng Ngãi, đóng vai lính ngụy, theo phương án đi thẳng vào Hội đồng xã để đánh địch, nhưng tình hình không diễn ra như dự kiến nên các chiến sĩ ta đi lùng đánh địch trên Quốc lộ 1, diệt 1 tên xã phó và 1 cảnh sát, rồi cho xe theo đường số 5, vượt qua tuyến giáp ranh đi thẳng lên vùng giải phóng, giữa tiếng kêu kinh ngạc của bọn lính trong các chốt. Cũng trong chuyến hóa trang này, ngoài 2 tên địch bị diệt trong xã, các đồng chí còn diệt 2 tên khác trên đường từ thị xã Quảng Ngãi vào Đức Phổ”...       


      
                                Nguyễn Khâm
 


.