Nông dân bước vào vụ mới

09:05, 18/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua, nông dân bắt đầu cày ải, vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt mầm bệnh hại lúa. Đối với những vùng trũng, thường bị ngập úng, nông dân đã chủ động gieo khô trước khi nước về.

Theo lịch gieo sạ, lúa đại trà vụ hè thu 2015 bắt đầu từ ngày 20 đến 30.5. Đối với chân ruộng trũng, có nguy cơ ngập nước vào cuối vụ, tập trung gieo sạ trước ngày 10.6. Cơ cấu giống lúa tập trung ở các loại trung, ngắn ngày. Cụ thể, giống chủ lực gồm: OM6976, VTNA2, VN121, ĐH815-6, ĐV108, KD đột biến, lúa lai Syn 6, TH 3-3, Nhị ưu 838; giống bổ sung gồm: TH6, ML48, OM4568, OM8017, P6ĐB, OM4900, Q5, MT18, lúa lai PAC807; giống triển vọng gồm: TBR225, OM8923, Thiên ưu 8, OM6162, Hương Xuân, ĐH15-1,  ĐH500, lúa lai TH3-5…

Giá giống, phân bón không tăng

Thời điểm này, nông dân trong tỉnh đang tập trung vệ sinh đồng ruộng, tập kết phân chuồng ra đồng để chuẩn bị gieo sạ. Hiện tại nước Thạch Nham đã được đưa về các cánh đồng. Một số diện tích ở đầu nguồn nước, bà con nông dân đã tiến hành ngâm ủ giống. Tuy nhiên, tùy theo từng đồng đất mà người dân lựa chọn các loại giống chủ lực khác nhau.

Cán bộ thủy nông xã Bình Thới nạo vét mương nội đồng, đưa nước về phục vụ sản xuất.
Cán bộ thủy nông xã Bình Thới nạo vét mương nội đồng, đưa nước về phục vụ sản xuất.


Ông Trịnh Văn Trường-Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bình Thới (Bình Sơn) cho biết, HTX đã chuẩn bị đầy đủ nguồn giống cho bà con. Trong đó, những loại giống cứng cây sẽ đưa xuống các vùng trũng để nếu lỡ có bị ngập úng thì ít bị ngã, hư hại. Riêng phân bón, thời gian qua, nhiều nông dân cũng đã được các công ty cho ứng trước. Hơn nữa giá các loại phân bón, vật tư nông nghiệp tương đối ổn định nên phần nào cũng giảm bớt chi phí sản xuất cho nông dân.

Ông Đoàn Văn Nhân-Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi cho biết: “Trung tâm đã chuẩn bị giống đủ cung ứng cho 50% diện tích trong tỉnh. Cơ cấu giống đều thực hiện theo đúng chỉ đạo của tỉnh và yêu cầu của các địa phương. Sẽ không có tình trạng thiếu hụt nguồn giống trong vụ hè thu vì Trung tâm đã phối hợp với các công ty ngoài tỉnh để đáp ứng đủ nguồn giống cho bà con”.  

Hiện tại các giống lúa trong tỉnh có giá từ 13-16 nghìn đồng/kg. Còn các giống lúa ngoài tỉnh có giá từ 17-25 nghìn đồng/kg. Như vậy so với vụ đông xuân, giá lúa giống vẫn giữ ở mức bằng và thấp hơn.

Bên cạnh đó, giá các loại phân bón cũng giữ ở mức bằng với vụ đông xuân năm 2014-2015 và thấp hơn so với vụ hè thu 2014. Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân giảm bớt chi phí trong sản xuất, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng giống, phân bón như thế nào thì cần phải nhờ sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh kiểm tra của các ngành chức năng.

Nông dân vẫn lo lắng

Mặc dù giá lúa giống bằng và thấp hơn so với vụ đông xuân, nhưng vẫn còn ở mức cao đối với người nông dân. Bởi năm nay giá lúa hạ dài so với năm trước. Theo tính toán của người dân thì để mua được 1kg lúa giống trong tỉnh họ phải bán gần 3kg lúa ăn, và muốn mua 1kg lúa giống ngoài tỉnh thì phải bán 4-5 kg lúa ăn.

Ông Lê Văn Tâm ở xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) cho hay: “Mọi năm tôi còn mua giống của Nhà nước, còn vụ này tôi chỉ đổi giống của bà con chòm xóm để gieo sạ. Bởi năm nay lúa ăn mình bán được có 5 nghìn đồng/kg, còn lúa giống thì có giá cao gấp 3, gấp 5. Muốn sạ một sào cũng phải mất từ 60-100 nghìn đồng tiền giống, rồi còn tiền thuê máy làm đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…”. Không chỉ riêng ông Tâm mà nhiều nông dân trong tỉnh cũng đã chọn cách làm trên để giảm bớt chi phí.

Ông Vi Quang Trương – Chủ nhiệm HTX Khánh Thành, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) cho biết: “Để giảm bớt gánh nặng cho nông dân, đồng thời chủ động được nguồn lúa giống tại địa phương, nhiều năm nay, HTX  Khánh Thành luôn dành ra từ 10-50ha để làm lúa giống. Những xã viên có ruộng nằm trong cánh đồng giống thì thu nhập cao hơn mà người mua giống cũng đỡ tốn kém hơn, vì lúa giống tại địa phương chỉ bán khoảng 6.500 đồng/kg”.

Trước tình trạng nắng nóng kéo dài và khả năng thiếu hụt nước tưới trong vụ sản xuất hè thu khiến nhiều nông dân tỏ ra lo lắng. Do đó, để đối phó với hạn hán, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án chống hạn một cách cụ thể. Hy vọng rằng, với sự cần cù, chịu khó của người nông dân và sự nỗ lực của các ngành chức năng, nông dân trong tỉnh sẽ có một vụ hè thu bội thu…

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.