Giúp người nghèo tìm sinh kế thoát nghèo

05:05, 24/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau nhiều năm dài triển khai thực hiện chương trình, dự án giảm nghèo tại Quảng Ngãi đã xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đó là những mô hình phù hợp với đặc thù vùng miền núi hiện nay, mở ra sinh kế vươn lên cho người nghèo.

Đối ứng và thích ứng

Với tư duy “hỗ trợ người nghèo” có nhiều điểm khác với “làm từ thiện giúp người nghèo”, một số chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã chọn cách hỗ trợ theo phương án “đối ứng”. Có nghĩa là dự án sẽ hỗ trợ 80% tổng suất đầu tư, còn người nghèo tự bỏ vốn 20%. Ví dụ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo 135-giai đoạn II (gọi tắt là ISP) “gói” hỗ trợ trực tiếp sản xuất đã triển khai mô hình “nuôi bò giảm nghèo đối ứng” mang lại hiệu quả cao, bền vững.

Khuyến nông viên xã Thanh An (Minh Long) hướng dẫn hộ chăn nuôi cách nấu thức ăn cho heo Móng Cái sinh sản.
Khuyến nông viên xã Thanh An (Minh Long) hướng dẫn hộ chăn nuôi cách nấu thức ăn cho heo Móng Cái sinh sản.


Tại xã Long Hiệp (Minh Long), Ban Quản lý Chương trình ISP đã chọn hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi bò để hỗ trợ bò giống. Dự án cho phép người dân chọn bò theo nhu cầu của gia đình, sau đó hỗ trợ 80% tiền mua bò, 20% còn lại dân tự bỏ ra. Nếu hộ dân không có vốn, dự án sẽ kết nối với Ngân hàng chính sách lập thủ tục cho vay vốn hộ nghèo để có đủ tiền “hùn” với dự án. Kết quả tiền đầu tư mua bò giống đảm bảo chất lượng hơn. Sau 3 năm triển khai, hầu hết số bò Chương trình ISP hỗ trợ có đối ứng đều sinh trưởng phát triển tốt.

Cách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn được các cấp, ngành địa phương chú ý đến tính thích ứng của từng vùng. Đơn cử, huyện nghèo Sơn Tây xác định chỉ có con trâu và cây lúa nước là phù hợp giảm nghèo nhất, để đầu tư nguồn vốn Chương trình 30a, hỗ trợ cho hộ nghèo. Trong khi đó huyện Minh Long lại chọn “heo Móng Cái sinh sản” để hỗ trợ hộ nghèo sinh sống ở vùng thấp; còn vùng cao hơn chọn bò cỏ địa phương. Huyện Trà Bồng chọn gà thả vườn và heo Móng Cái sinh sản. Huyện Sơn Hà chọn cây mì, keo, giống lúa lai và bò cỏ địa phương hỗ trợ cho hộ nghèo trồng trọt, chăn nuôi… Những mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế và đang được nhân rộng.

Kiên định mục tiêu “giảm nghèo bền vững”

Mặc dù có nhiều thành công, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận mô hình giảm nghèo thuộc các chương trình, dự án giảm nghèo cũng có không ít thất bại, lãng phí. Chưa có thống kê cụ thể nhưng qua các đợt kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng về gói hỗ trợ sản xuất tại các địa phương cho thấy, có khá nhiều mô hình giảm nghèo vừa “khai sinh đã khai tử”, không đạt được mục tiêu đề ra là “giảm nghèo bền vững”. Chẳng hạn nuôi vịt xiêm lai, gà H’mông, gà Tam Hoàng, trồng cà phê, sa nhân tím, dó bầu…

Đại diện Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên - huyện Sơn Tây chia sẻ rằng, để giúp người nghèo thực hiện các mô hình giảm nghèo việc trước tiên là phải dạy cho họ cách tiếp cận mô hình ấy. Bên cạnh đó giúp họ nhận thức được hậu quả của đói nghèo dai dẳng, rồi giúp họ cách tự trồng lúa nước để có lương thực; tự sản xuất rau xanh, nuôi gà, vịt để cải thiện bữa ăn trong gia đình. Khi họ tương đối ổn định cuộc sống thường nhật thì mới tính đến chuyện giảm nghèo.

Tuy nhiên, xác định chủ thể của giảm nghèo phải chính là hộ nghèo chứ không phải là chính sách hay dự án. “Giúp hộ nghèo giảm nghèo không đồng nghĩa với làm từ thiện, là cấp phát. Khi nào người nghèo nhận thức được và có khát khao xóa nghèo thì các chương trình, dự án giảm nghèo mới đạt được mục tiêu” -bà Lê Thị Thủy, cố vấn Dự án Giảm nghèo cho vùng nghèo, vùng thiên tai tại Quảng Ngãi cho biết. Dự án này đã hỗ trợ 20 con trâu cho hộ nghèo vùng rốn lũ Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) vào cuối năm 2014. Qua đánh giá bước đầu, đa số trâu nuôi phát triển tốt nhờ hộ nghèo thụ hưởng dự án có nhiều nỗ lực vươn lên.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.