Đưa dòng vốn vào sản xuất

08:05, 06/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua 64 năm kể từ ngày thành lập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (6.5.1951 – 6.5.2015), ngành ngân hàng Quảng Ngãi đã góp phần rất lớn trong việc lưu thông tiền tệ và xứng đáng là huyết mạch của nền kinh tế tỉnh nhà.

Góp sức cho phát triển bền vững

Cùng với quá trình đi lên của tỉnh, đến nay ngành ngân hàng Quảng Ngãi đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu vốn vay, tạo niềm tin cho khách hàng. Đến quý I/2015, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2014, dư nợ cho vay khoảng 31.000 tỷ đồng, tăng gần 3,7% so với cùng kỳ năm 2014.

 Cán bộ tín dụng cơ sở (bên trái) hướng dẫn thủ tục vay vốn cho đồng bào vùng cao.
Cán bộ tín dụng cơ sở (bên trái) hướng dẫn thủ tục vay vốn cho đồng bào vùng cao.


Để dòng vốn tạo lực cho đầu tư phát triển, sau ngày tái lập tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi đã làm tốt chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, đáp ứng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ và chỉ đạo hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố và phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động, đáp ứng ngày càng hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước mở rộng thị trường hoạt động.

Vài năm trở lại đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước và Quảng Ngãi còn nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi đã chủ động triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, quản lý ngoại hối và quản lý thị trường vàng, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo định hướng đảm bảo an toàn và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng. Sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công chức, viên chức ngành ngân hàng đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh.

Cầu nối tín dụng

Nguồn vốn của ngân hàng đã giúp các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế. Tuy vậy, để dòng tiền chảy thông suốt đến tận tay người nghèo, đối tượng chính sách phải kể đến những người làm công tác cầu nối tín dụng.

Chúng tôi về xã Long Hiệp (Minh Long) chứng kiến chị Nguyễn Thị Tuyết Mỹ - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2 làm công tác “gieo vốn” thật cảm động. Mới gần 7 giờ sáng, nhưng hội trường UBND xã Long Hiệp chật kín người. Chị Mỹ chen giữa dòng người đến giao dịch định kỳ ân cần trao đổi, giải thích, hướng dẫn bà con vay vốn, tư vấn làm ăn, và cách tích góp trả nợ. Sau khi bà con thông suốt thì từng người đã đến gặp cán bộ tín dụng để ghi tên vào hồ sơ vay vốn hết sức thuận tiện. Chị Mỹ cho biết: “Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều gia đình từ đói nghèo, nhà cửa xác xơ, đến nay không những đủ ăn, đủ mặc mà còn cho con ăn học đến nơi đến chốn. Không ít hộ gia đình còn dư tiền để xây nhà mới, tái đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh tiếp tục vươn lên làm giàu”.

Cũng là “cầu nối tín dụng”, chị Huỳnh Thị Nga, anh Hùng ở xã Ba Động (Ba Tơ) đã để lại niềm vui, sự biết ơn cho nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách. Ngồi trong ngôi nhà mới khang trang, anh Hùng nhớ lại: “Ngày trước, bà con mình chủ yếu nhà tranh vách đất. Nếu không có vốn chính sách làm ăn, thì khó có nhà xây thế này”. Để vốn chính sách đến tay người nghèo, trình độ thấp, anh Hùng, chị Nga như con thoi giữa bộn bề công việc đồng áng, dự họp tổ tiết kiệm và vay vốn, xét duyệt đối tượng vay, nắm tình hình sử dụng vốn của hộ gia đình... Lần lượt gỡ từng công việc, những người làm công tác cầu nối tín dụng đã âm thầm gieo vốn cho nhiều đối tượng chính sách làm ăn vươn lên trong cuộc sống.

Nếu ngân hàng chính sách có mạng lưới cơ sở làm cầu nối cho vay vốn thì ở các ngân hàng thương mại, cán bộ, nhân viên đã trực tiếp về cơ sở tư vấn cho bà con. Có lần trao đổi với anh Tôn Long Thắng – Trưởng Phòng khách hàng tư nhân (Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi), anh nhận định: Trước tình hình khó khăn chung, ngân hàng đã mở rộng thị trường cho vay, đặc biệt là hướng đến cho vay thị trường nông thôn và phát triển ngành thủy sản. Đối tượng vay là những người ít tiếp cận với hồ sơ sổ sách nên cán bộ ngân hàng đã về trực tiếp “cầm tay làm hồ sơ” cho bà con. Đồng lòng đôi bên nên nguồn vốn ngân hàng đã giải ngân kịp thời”.

Ông Trần Luyện - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Ngãi, cho biết: Trong thời gian tới, dự báo kinh tế thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, kinh tế trong nước còn có những khó khăn và thách thức. Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh,  nhằm ổn định kinh tế; giữ bình ổn thị trường vàng; xử lý nợ xấu... Ngành tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ, khuyến khích những thành viên làm cầu nối tín dụng để chuyển vốn đến vùng khó khăn, đối tượng khó khăn cần vốn kịp thời.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.