Dự án phát triển ngành lâm nghiệp (WB3): Nhiều lợi ích

10:05, 09/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự án phát triển ngành lâm nghiệp-WB3 được đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Phần Lan, Hà Lan và Ngân hàng Thế giới (World Bank) với tổng kinh phí trên 100  triệu USD. Tại Quảng Ngãi đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành, với 13.800 ha rừng trồng, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

TIN LIÊN QUAN

Phát triển rừng bền vững

Tại Quảng Ngãi, Dự án WB3 được thực hiện trên địa bàn 13 xã thuộc 5 huyện Ba Tơ, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Trà Bồng, Bình Sơn, với tổng vốn đầu tư 5,88 triệu USD (tương đương 123 tỷ đồng). Dự án trồng 13.800ha rừng, thực hiện quy hoạch cảnh quan, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 129km đường lâm sinh, khuyến lâm… Bên cạnh đó, Dự án còn thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đem lại lợi ích thiết thực cho các hộ dân tham gia.

  Kiểm tra thực tế để cấp chứng chỉ rừng trồng (FSC) theo Dự án  WB3 trên địa bàn Quảng Ngãi.
Kiểm tra thực tế để cấp chứng chỉ rừng trồng (FSC) theo Dự án WB3 trên địa bàn Quảng Ngãi.


Trải qua 10 năm thực hiện Dự án WB3, Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả rất khả quan. Đáng chú ý là đã thành lập và phát triển các nhóm nông dân trồng rừng. Đây được xem như là công cụ chính để thực hiện mục tiêu cấp chứng chỉ rừng theo nhóm, với mục đích là cải thiện lợi ích của các hộ dân ở nông thôn về mặt kinh tế-xã hội và môi trường thông qua quản lý bền vững rừng trồng tiểu điền và phát triển thị trường cho sản phẩm nông lâm kết hợp.

 Những người tham gia nhóm đã nhận thấy lợi ích của việc hoạt động nhóm, đồng thời hướng tới mục tiêu cấp chứng chỉ rừng theo nhóm nhằm nâng cao giá trị gỗ nguyên liệu. Sau 10 năm, các Tổ công tác tại xã đã ra quyết định thành lập được 449 nhóm nông dân trồng rừng, với sự tham gia của 6.577 hộ, quản lý 13.713 ha trên địa bàn 5 huyện, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc trồng rừng sản xuất đã triển khai thực hiện ngay từ khi bắt đầu khởi động Dự án. Qua đó, đã tiến hành giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 7.666ha rừng trồng.

Sau 10 năm thực hiện, với sự nhiệt tình tham gia của người dân cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, dự án WB3 Quảng Ngãi đã trồng được 13.713ha/13.800ha, đạt 99% so với kế hoạch toàn dự án, hoàn thành tốt mục tiêu của dự án đề ra. Trong đó, huyện Ba Tơ trồng được 4.765ha, Sơn Tịnh 1.760ha, Mộ Đức 1.484ha, Trà Bồng 4.837ha, Bình Sơn 867ha. Đến nay, tất cả các diện tích rừng trồng từ năm 2005-2009 đã được khai thác và trồng mới lại. Hằng năm đều tổ chức đánh giá nội bộ rừng trồng, qua đó cho thấy chất lượng và trữ lượng đều đạt kết quả rất cao, trung bình 120 tấn/ha với chu kỳ 5 năm. Hộ dân trừ hết chi phí (kể cả tiền lãi và gốc ngân hàng) còn thu lãi được khoảng từ 45-50 triệu đồng/ha.

Hiện nay, các hộ trồng rừng đang hướng tới mục tiêu rừng trồng của mình được cấp chứng chỉ rừng (FSC) và chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ nhỏ sang mô hình trồng rừng gỗ lớn (từ chu kỳ ngắn sang chu kỳ dài) nhằm mục đích nâng cao sản lượng và chất lượng gỗ. Qua đó, tăng giá gỗ nguyên liệu để tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. Việc xúc tiến cấp chứng chỉ rừng từ năm 2012-2015 đã cấp được 950ha tại 2 huyện Mộ Đức và Bình Sơn.

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Dự án WB3 đã đem lại nhiều kinh nghiệm thiết thực từ thực tiễn. Đó là: Để đảm bảo thành công mọi hoạt động của dự án cần phải có sự tham gia đầy đủ các cấp chính quyền địa phương và chú trọng vào việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong quá trình tham gia thực hiện dự án. Đồng thời, coi trọng việc phổ cập lâm nghiệp để nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho người dân từ việc chọn giống gieo ươm đến việc trồng rừng và chăm sóc rừng trồng. Trong đó giống là vật tư đầu vào hết sức quan trọng vì nó là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm nên cần phải xây dựng một cơ chế quản lý giống rất chặt chẽ và khoa học để người dân tham gia dự án lựa chọn được giống bảo đảm chất lượng thì rừng trồng của dự án sẽ phát triển tốt.

Xu thế mới của sự phát triển lâm nghiệp là xã hội hóa nên các chương trình, dự án về lâm nghiệp cần được xây dựng dựa trên quyền lợi, nghĩa vụ của xã hội và cộng đồng. Trong đó, cần phải tăng cường công tác đào tạo tập huấn, gặp gỡ lấy ý kiến của người dân trong vùng dự án, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của họ để dự án đạt nhiều thành công hơn trong tương lai.

Ngoài ra, chính sách phát triển dân tộc thiểu số thông qua chương trình dự án dành cho các xã có người đồng bào dân tộc thiểu số là rất phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và nguyện vọng của nhân dân nên cần đặc biệt quan tâm, nhất là nông dân ở vùng nông thôn, miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn cần được hỗ trợ, giúp đỡ.


Bài, ảnh: Nguyễn Khâm     


 


.