Cộng đồng kinh tế AEC sắp hình thành: Lo gần, sợ xa

01:05, 12/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mốc 31.12.2015 được xác định là điểm khởi đầu cho việc hình thành một cộng đồng kinh tế dựa trên kết nối sức mạnh của thị trường 10 nước ASEAN. Nếu không có sự chuẩn bị tốt thì doanh nghiệp Quảng Ngãi không những sẽ không tận dụng được thị trường xuất khẩu rộng lớn mà còn có nguy cơ thua trên sân nhà.

Nhiều biểu thuế về 0%

Để tận dụng được lợi thế của AEC, doanh nghiệp trong tỉnh cần nắm được lộ trình giảm thuế của cộng đồng kinh tế này, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý và có lộ trình thích nghi, thay đổi phù hợp.

Trước khi hình thành cộng đồng kinh tế AEC, các cam kết đã được các nước trong khu vực thực hiện theo lộ trình kế hoạch tổng thể xây dựng AEC đã được phê duyệt năm 2007. Theo Bộ Công thương, việc cắt giảm thuế quan ASEAN đã diễn ra từng bước qua từng năm, như trong giai đoạn 2012-2014, Việt Nam đã đưa trên 7.000 dòng thuế về 0% và còn lại trên 2.000 dòng thuế đã cắt giảm về thuế suất 5%.

Doanh nghiệp và cả nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước ASEAN.
Doanh nghiệp và cả nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước ASEAN.


Với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất giữa các nước ASEAN 6 (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia) đã về 0% từ ngày 1.1.2010. Các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) được kéo dài thời gian xóa bỏ hàng rào thuế nhập khẩu thêm năm năm. Việt Nam đã hạ hơn 80% biểu thuế ASEAN về mức 0% vào năm 2010 và xóa thêm 10% nữa vào năm 2015, duy trì 7% dòng thuế tương đương trên 678 mặt hàng được xem là nhạy cảm sẽ về mức 0-5% đến năm 2017.

Trong năm 2015, Việt Nam sẽ giảm thêm 10% số dòng thuế còn lại, do đó cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ ASEAN sẽ khốc liệt hơn. Hầu hết mặt hàng của các nước trong khu vực ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam, nếu đáp ứng đủ điều kiện xuất xứ theo quy định của ATIGA sẽ được hưởng thuế suất bằng 0%. Nhiều mặt hàng như giấy, may mặc... vốn đang chịu thuế nhập khẩu ở mức 5% trong các năm trước đây đều đã được giảm về 0% từ thời điểm 1.1.2015. Hiện nay, chỉ còn một số nhóm hàng đặc biệt nhạy cảm như sắt thép, ôtô, linh kiện phụ tùng ôtô... sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế xuống 0% vào năm 2018. Hai nhóm mặt hàng xăng dầu và thuốc lá đang được đàm phán để giảm thuế sau năm 2018.
Trong khi đó, các nhóm mặt hàng đặc biệt nhạy cảm trong nông nghiệp như muối, đường, thịt gà, thịt heo, trứng, các loại hoa quả nhiệt đới như cam, quýt... Việt Nam đã đàm phán để bảo lưu mức thuế 5%.

Thị trường rộng mở nhưng không dễ

Với khoảng 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP hơn 2.310 tỷ USD, AEC sẽ là thị trường rất lớn, với rất nhiều cơ hội để thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) thì khi AEC hình thành, rất nhiều sáng kiến thuận lợi hóa thương mại quan trọng như: Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, hệ thống tự chứng nhận xuất xứ, hài hòa hóa tiêu chuẩn và công nhận lẫn nhau... sẽ được triển khai. Ngoài ra, ASEAN cũng đẩy mạnh việc xử lý các biện pháp phi thuế quan và thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, đối với dịch vụ và đầu tư, ASEAN hướng tới mức độ tự do hóa cao, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, thông qua Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA).

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của Quảng Ngãi vẫn chưa khai thác hiệu quả thị trường ASEAN. Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2014 đạt 650 triệu USD. Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh chủ yếu sang thị trường EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước Trung Đông…, còn thị trường ASEAN chiếm tỷ trọng rất thấp.

Theo ông Ngô Văn Tươi-Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi thì, thị trường Trung Quốc chiếm đến 70% tổng lượng hàng xuất khẩu của công ty, Đài Loan chiếm 20%, còn thị trường Malaysia, Indonesia hiện chỉ chiếm 10%.

Trong khi đó, một số sản phẩm của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi như bia Dung Quất, bánh kẹo Biscafun dù đã có mặt tại thị trường Campuchia, Lào và mới nhất là thị trường Myanma. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu tại các thị trường này vẫn còn khiêm tốn.

Trong khi việc tận dụng cơ hội của doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu, thì thách thức ngày càng hiển hiện rõ hơn. Bởi việc không còn những ngăn cách về biên giới kinh tế, hàng hóa, dịch vụ và vốn được lưu chuyển tự do trong ASEAN thì bất cứ doanh nghiệp hay nhà đầu tư ASEAN đều có cơ hội như nhau trong việc tận dụng, phát huy ưu thế của thị trường chung 10 nước ASEAN.

Hiện nay, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Quảng Ngãi trên thị trường vẫn còn nhiều hạn chế thì bài toán cạnh tranh trên sân nhà cũng đã rất khó, chứ chưa nói đến khai thác thị trường 600 triệu dân. Khi mà các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn đang loay hoay tìm hướng đi thì một số nhà đầu tư trong khu vực như Singapore, Philippin, Thái Lan đã và đang xúc tiến đầu tư vào Quảng Ngãi, đấy là chưa kể hàng hóa từ ASEAN đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh ngày một nhiều hơn.

Bài, ảnh: THANH NHƯ
 


.