Vài suy nghĩ về phát triển du lịch biển đảo Lý Sơn

07:04, 13/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nước ta có nhiều hải đảo, vịnh, bãi biển đẹp. Lý Sơn (Quảng Ngãi) không có những cảnh quan nổi tiếng có thể sánh với Hạ Long (Quảng Ninh), Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Phú Quốc (Kiên Giang), Vũng Tàu, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nha Trang (Khánh Hòa)... Nhưng Lý Sơn lại có những đặc điểm riêng của một huyện đảo hiếm gặp ở Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Đảo Lý Sơn được tạo thành do hoạt động núi lửa cùng thời kỳ với các tỉnh Gia Lai - Kon Tum (Tây  Nguyên). Có thể hình dung một dải đất hình thành từ hoạt động của núi lửa từ Konplông - Kon Tum kéo xuống núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi) và ra tận Lý Sơn. Hồ chứa nước Thới Lới ở Lý Sơn, hàng nhiều triệu năm trước là một họng núi lửa. Đất ở Lý Sơn là đất đỏ bazan, đặc trưng của đất do núi lửa phun trào. Trong khối đá trầm tích biến chất khổng lồ ở Lý Sơn còn sót lại một hang rộng lớn đủ để nhân dân tôn tạo thành một ngôi chùa gọi là chùa Hang. Chùa Hang thật hiếm gặp ở vùng đất bazan. Đó là lịch sử kiến tạo địa chất hình thành đảo Lý Sơn.

Đất Lý Sơn là như vậy. Còn các dòng tộc ở Lý Sơn chính là cái nôi của Hải đội Hoàng Sa, được các vua triều Nguyễn phái đi đo đạc, cắm mốc chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhiều thế kỷ trước. Lễ "Khao lề thế lính Hoàng Sa", những mộ gió, âm linh tự, đình làng ở Lý Sơn... đều là những di tích văn hóa - lịch sử có liên quan đến Hải đội Hoàng Sa mà du khách mỗi lần đến Lý Sơn đều dành nhiều thời gian để nghiên cứu, khám phá.

Lý Sơn có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Trong ảnh: Thắng cảnh hang Câu ở Lý Sơn.             Ảnh: P.D
Lý Sơn có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Trong ảnh: Thắng cảnh hang Câu ở Lý Sơn. Ảnh: P.D


Lý Sơn đất hẹp, người đông. Dân sinh sống ngoài nghề đánh bắt hải sản thì trồng trọt chỉ có hai loại cây chủ lực là hành và tỏi. Cách trồng hai loại cây rau, gia vị này cũng rất đặc biệt, có một không hai ở Việt Nam. Đất trồng hành, tỏi là loại cát lấy ở nơi tiếp giáp giữa núi và biển ở đảo Lý Sơn, vì vậy phải gom góp từng bao, từng thúng. Cát ở đây quý như các loại phân bón ở đồng bằng. Hành, tỏi Lý Sơn chất lượng cao. Tỏi đã có thương hiệu ở Việt Nam,  được đóng gói chính quy, đẹp mắt để đưa vào siêu thị cả nước.

Vài nét về đảo Lý Sơn trên đây cũng có thể gợi mở cho nhiều người đến với Lý Sơn để tận mắt nhìn thấy những điểm độc đáo, những nét văn hóa, lịch sử, tính cách mạnh mẽ, kiên cường của người dân Lý Sơn, một hải đảo nằm ở cực đông tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền chỉ trên dưới một giờ tàu biển, một huyện đảo mà hiện nay cả nước quan tâm vì người dân Lý Sơn đang  ngày đêm bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ bao đời, Lý Sơn là một mảnh đất nghèo. Sau khi tái lập tỉnh, Lý Sơn từ một xã thuộc huyện Bình Sơn được tách ra thành lập huyện đảo Lý Sơn. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, Lý Sơn ngày một phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh. Từ khi có KKT Dung Quất, huyện đảo Lý Sơn phát triển gặp nhiều thuận lợi.

Gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện dự án đưa điện quốc gia ra đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm xuyên biển. Trong năm 2014 dự án đã hoàn thành. Một thời kỳ mới đang đến với Lý Sơn. Những năm gần đây, nhờ giao thông đường biển từ đất liền ra đảo được cải thiện, giao thông trên đảo được tăng cường nên khách khắp nơi trong tỉnh, trong nước và có cả khách  nước ngoài đến Lý Sơn ngày một đông để công tác, giao lưu văn hóa, giao thương kinh tế, nghiên cứu lịch sử và thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên, biển cả...

Tuy nhiên, để thu hút được khách đến Lý Sơn ngày càng nhiều, còn nhiều việc phải làm đối với nhiều cấp, nhiều ngành, nhưng chủ yếu phải chăng cần tập trung vào các việc sau đây:

Trước hết, cần tiếp tục tăng cường tổ chức công tác vận tải hàng hóa và hành khách, tăng số lượng, chất lượng tàu biển, tăng chuyến trong ngày và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài sản. Tổ chức đưa đón khách, hàng hóa Quảng Ngãi - Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại hợp lý, thuận tiện, khoa học, an toàn và dịch vụ đi kèm chất lượng cao.

Xây dựng thêm và nâng cấp các khách sạn, nhà nghỉ, nhất là các khách sạn bờ biển. Phát triển mô hình nhà nghỉ trong dân. Nâng cao chất lượng phục vụ ở các khách sạn, nhà nghỉ.

Xây dựng bãi tắm hiện đại: Nạo vét, bổ sung cát chở từ đất liền ra, có nơi lên xuống thuận tiện, an toàn, có phòng tắm nước ngọt, có chỗ chụp ảnh. Củng cố, phát triển hệ thống thông tin, liên lạc. Xây dựng một nhà nghỉ tại đảo Bé để đưa khách đi chơi từ Đảo Lớn sang đảo Bé. Ngoài ra, cần hình thành một tổ chức (công ty) du lịch ở huyện để phối hợp với các công ty du lịch trong tỉnh và các tỉnh bạn phục vụ khách, nhất là giải quyết các khó khăn trong mùa mưa bão. Có công ty mới tổ chức tốt các tour du lịch ở đảo và phát triển thêm các điểm du lịch tiềm năng. Nghiên cứu, chọn và hình thành món ăn đặc sản đặc trưng cho Lý Sơn.

Để thực hiện đạt kết quả các công tác trên, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm hơn nữa về việc phát triển toàn diện ngành du lịch, bố trí nguồn vốn tương xứng để xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch. Ngoài ra, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công ty cổ phần Du lịch tỉnh cần làm tốt vai trò trung tâm phát triển đối với du lịch biển đảo Lý Sơn. Đồng thời hy vọng Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ có những đóng góp mạnh mẽ về tập hợp lực lượng du lịch trên địa bàn và phối hợp với ngành du lịch tư vấn để tỉnh ban hành các chính sách cần thiết tạo điều kiện để phát triển du lịch biển đảo Lý Sơn.

Trịnh Quang Hạo
 


.