Sức xuân Bình Tân

08:03, 16/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bình Tân (Bình Sơn) là xã thuần nông, trước kia nông dân rất vất vả với công việc đồng áng do đất đai bạc màu, thiếu nước. Nhưng giờ đây kinh tế - xã hội phát triển, cuộc sống của họ được cải thiện đáng kể.

Bình Tân là một xã giàu truyền thống Cách mạng. Ba năm sau ngày giải phóng- năm 1978, xã Bình Tân, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Thế nhưng kinh tế - xã hội lúc bấy giờ còn gặp nhiều khó khăn, đói kém. Hầu như hồi đó, nông dân chỉ có làm ruộng và không có mấy ai khấm khá. Trường - lớp trong xã đều xây dựng tạm bợ. 
 
Hệ thống kênh mương ở xã Bình Tân được kiên cố hóa, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp.                                                      Ảnh: PD
Hệ thống kênh mương ở xã Bình Tân được kiên cố hóa, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PD

Phát huy truyền thống xã anh hùng, 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, cán bộ và nhân dân ở đây đã nỗ lực vượt lên từ gian khó, tích cực chung lo củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ  cho sản xuất và đời sống theo hướng bền vững.

Trở lại xã Bình Tân những ngày đầu xuân mới 2015, chúng tôi chứng kiến xã đang có những đổi thay đáng kể về nông nghiệp-nông thôn. Những tuyến kênh Thạch Nham, những con mương nội đồng đã được bê tông và đầy ắp nước, những ruộng lúa vụ đông xuân xanh ngút mắt. Trong các xóm làng, ngày càng có nhiều những ngôi nhà mới khang trang; đường giao thông thoáng rộng, sạch đẹp hơn… trạm y tế, trụ sở cơ quan, trường học được xây dựng kiên cố.

Chỉ tay về phía Trạm bơm B10.1.bm2 đang hoạt động, đưa nước tưới cho  các cánh đồng lúa đông xuân, Phó Chủ nhiệm HTX NN, kiêm trưởng thôn Liêm Quang- Nguyễn Tấn Minh cho biết: Ngoài hai hồ đập Phụng Hoàng và Hóc Bứa phục vụ cho sản xuất, những năm sau này, xã được đầu tư xây dựng thêm hai trạm bơm điện để tạo nguồn, đưa nước Thạch Nham vào đồng ruộng. Nhờ đó nông dân thôn Liêm Quang có điều kiện mở rộng diện tích lúa 2 vụ  lên 536ha, năng suất đạt bình quân 59-60 tạ/ha. Riêng vụ đông xuân 2014-2015 toàn xã đã thực hiện gieo sạ 293ha theo đúng cơ cấu giống và lịch thời vụ, phấn đấu đạt năng suất bình quân 65 tạ/ha, với sản lượng 1.891 tấn.

Chị Bùi Thị Hiền (KDC số 3) kể lại: Gia đình chị mỗi năm nuôi khoảng 150 con heo, sau khi trừ chi phí còn thực lãi gần 200 triệu đồng. Mới đây gia đình bán trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi-2015 được 80 con heo thịt. Trước đó ba, bốn tháng chị cũng đã  bán  3 lứa, mỗi lứa  60 con heo thịt.

Còn anh Trần Tiến Thanh thì bộc bạch: “Bên cạnh sản xuất lúa và mía, gia đình tôi còn trồng 7ha keo và bạch đàn, hằng năm thu hoạch được 3.000 - 4.000m3. Trong chuồng gia súc, lúc nào cũng có từ 10-12 con bò lai vỗ béo và bò nái sinh sản. Mùa mưa tận dụng đồng cỏ để chăn thả. Mùa nắng thì cho ăn thêm cám bột bắp, cám gạo nên bò  rất nhanh lớn. Chỉ 6 tháng là đã có bê lai để bán”.

 Ông Quảng Sáu- Trưởng KDC số 3 cho biết: Người dân ở đây rất cần cù, chịu khó  lao động sản xuất và đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để phát triển kinh tế. Mặt khác họ luôn sẵn sàng chung tay, góp sức để làm bê tông giao thông nông thôn và bắt điện thắp sáng công cộng, tô điểm thêm cho làng quê một diện mạo mới. Năm 2014, tổng thu nhập ở KDC gần 6,4 tỷ đồng, bình quân đầu người đạt trên 15,2 triệu đồng/năm. KDC đóng góp hơn 30 triệu đồng tu sửa 1,4km giao thông nông thôn, bắt điện thắp sáng đường quê,  làm thêm 7 ống bi đặt ở đồng ruộng, để chứa chai lọ thuốc bảo vệ thực vật...

Thời gian tới, định hướng của xã Bình Tân là sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững, tiếp tục phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để sớm được công nhận xã chuẩn quốc gia về NTM.
            
Lê Ngọc Tuân
 

.