Nông dân điêu đứng vì lúa cháy khô

09:03, 25/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nắng nóng kéo dài từ nhiều ngày qua đã làm cho hàng trăm hecta lúa ở Bình Sơn bị khô héo và chết cháy. Để cứu lúa, nhiều nông dân đã nỗ lực khoan giếng, đào ao; có người còn mua nước để tưới cho lúa. Tuy nhiên, mọi biện pháp đều như “muối bỏ biển”…

TIN LIÊN QUAN


Nhìn 7 sào lúa đến kỳ làm đòng, trổ bông đang ngả vàng vì nắng hạn, bà Trương Thị Tuyết Phương, thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận lắc đầu chua chát: “Mất trắng hết rồi! Bao nhiêu công sức, vốn liếng đổ hết xuống mấy sào lúa mà  chẳng thu được gì. Thiệt khổ hết biết!”.

Cùng cảnh ngộ với bà Phương, ông Võ Sáu cũng đành bất lực nhìn 4 sào lúa đang khô dần. Bởi số tiền đầu tư mua máy bơm, đường ống lên đến vài triệu đồng nên những hộ có hoàn cảnh khó khăn như ông không thể mua nổi.

Nông dân Bình Thuận điêu đứng vì lúa bị khô cháy.
Nông dân Bình Thuận điêu đứng vì lúa bị khô cháy.


Không nỡ để tiền của, công sức bị mất, một số hộ đã đầu tư máy bơm, ống dẫn nước cứu lúa. Bình quân mỗi đợt bơm nước, mỗi hộ nông dân phải bỏ ra gần 20 nghìn đồng chi phí xăng dầu/sào. Nhiều hộ, từ đầu mùa hạn đến giờ, đã phải bỏ ra hơn một triệu đồng để dẫn nước từ các ao xa về đồng ruộng. Tốn kém không ít, nhưng vì không muốn bao nhiêu công sức đổ vào đồng ruộng giờ lại mất trắng, nên bà con nông dân vẫn tiếp tục đổ tiền vào máy bơm nhằm tranh thủ từng chút nước tưới còn sót lại tại các ao.

Trong cái nắng gay gắt, vợ chồng ông Nguyễn Tú, thôn Thuận Phước vẫn hì hục kéo ống nối lại với nhau để chạy nước cho mấy sào lúa đang rụi đi vì hạn. “Gần nửa tháng nay, ngày nào tôi cũng có mặt ngoài đồng từ 3 giờ sáng đến 9 giờ tối để kiếm nước tưới cho hơn 4 sào lúa ở xứ đồng Quýt. Còn hơn 5 sào nằm ở các xứ đồng khác thì tôi đành bỏ vì không đủ sức để lo. Hơn nữa, ở những vùng đó cũng không có nước để tưới. Làm nông mà không làm ruộng thì không được, nhưng làm cực khổ mà vẫn không được ăn thì còn khổ hơn…”, ông Tú than thở.

Mặc dù lúa ở cánh đồng Quang, thôn Đông Lỗ chưa ngả màu vàng cháy như nhiều xứ đồng khác, song nguồn nước tưới ở đây cũng đã cạn kiệt. Lúa đang trong giai đoạn mút đòng nhưng đất đã khô. Do đó, ở một số nơi có hệ thống nước sạch của Nhà máy nước Vinaconex, người dân đã mua nước ngọt để bơm cho lúa. Dẫu biết đây không phải là giải pháp hữu hiệu, nhưng nhiều nông dân cho rằng, “còn nước còn tát”.

Ông Đỗ Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết: Vụ đông xuân này toàn xã đã gieo sạ 105ha lúa. Do nắng hạn kéo dài nên nguồn nước ở các ao hồ đều đã cạn. Trước tình hình trên, xã đã chỉ đạo ở những khu vực còn nước tưới thì người dân nên nạo vét để khơi thông mạch nước ngầm, đồng thời đào 7 cái giếng tại xứ đồng Quang để cứu lúa. Tuy nhiên, nếu trong vài ngày tới trời tiếp tục nắng hạn thì khả năng lúa bị hóp là điều khó tránh khỏi.

Hiện tại, trên địa bàn xã Bình Thuận có trên 70ha lúa bị khô cháy, còn hơn 30ha còn lại cũng đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Không thể để lúa khô rục trên đồng, nhiều nông dân đã cắt lúa về cho trâu, bò ăn. Ngoài ra nắng hạn cũng đã làm cho 40% dân số trên địa bàn xã thiếu nước ngọt để sinh hoạt. Một số hộ phải đi xa cả cây số để xách nước về uống. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa thể khắc phục do đường ống nước của nhà máy nước nằm cách xa nhà dân. Muốn có nước, người dân phải bỏ ra số tiền lớn để mua ống kéo về.

Ông Phan Diệp - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cho biết: “Vụ đông xuân 2014 - 2015, huyện Bình Sơn có trên 100ha lúa ở những vùng không chủ động nước tưới đang bị khô hạn. Trong đó tập trung ở các xã khu đông của huyện. Mặc dù huyện đã khuyến cáo ở những khu vực không ăn chắc, không có nước Thạch Nham thì người dân nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc bỏ trỗi. Tuy nhiên, vì tiếc đất, tiếc ruộng nên nhiều người vẫn gieo sạ, gây thiệt hại nặng”.  


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.