Lý Sơn trước vận hội mới

08:03, 31/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 40 năm giải phóng, đặc biệt là từ khi thành lập huyện đến nay, Lý Sơn đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vững chắc. Trong chặng đường đi tới, Lý Sơn đang đứng trước nhiều vận hội mới để phát triển vững chắc.

TIN LIÊN QUAN

Cột cờ Tổ quốc trên núi Thới Lới.
Cột cờ Tổ quốc trên núi Thới Lới.

 

Những bước tiến dài

Cách nay tròn 40 năm, ngày 31.3.1975, đảo Lý Sơn quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được giải phóng hoàn toàn. Năm 1993, huyện Lý Sơn chính thức được thành lập. Hơn 2 thập kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện đảo đã xác định những bước đi thích hợp, định hướng phát triển kinh tế đúng đắn, phù hợp với điều kiện đặc thù của huyện đảo. Nhờ đó đã mang lại những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng an ninh ngày càng được củng cố vững chắc; đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

Ngày mới thành lập, toàn huyện chỉ có trên 30 phương tiện tàu thuyền có công suất nhỏ, hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản chủ yếu tại một số ngư trường ven đảo, thu hút khoảng vài trăm lao động. Nhưng  đến nay, toàn huyện có 409 phương tiện tàu thuyền, với tổng công suất đạt trên 55 ngàn CV. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm trung bình 37 ngàn tấn. Năm 2014, khai thác được gần 40 ngàn tấn, tăng gấp 10 lần so với năm 1993. Riêng 3 tháng đầu năm 2015, khai thác được trên 8 ngàn tấn, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả đó là nhờ ngư dân huyện đảo không ngừng hiện đại hóa tàu cá để bám các ngư trường truyền thống ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dài ngày để làm ăn và tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong sản xuất nông nghiệp, nếu năm 1993 sản lượng nông sản thu hoạch chỉ đạt trên 125 tạ/ha/năm, thì trong những năm gần đây sản lượng cho thu hoạch cao gấp đôi. Việc sản xuất các loại cây trồng truyền thống trên đảo như hành, tỏi, bắp, đậu xanh…cũng đã từng bước cơ giới hóa mạnh mẽ. Năm 2014, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đảo đạt hơn 304 tỷ đồng.

Một trong những thành tựu nổi bật của huyện đảo đó là thương hiệu Lý Sơn đã hình thành và được khẳng định không chỉ với người dân trong nước mà cả du khách quốc tế. Ngoài đặc sản hành tỏi nổi tiếng thơm ngon thì với những di tích lịch sử, văn hóa lâu đời và danh lam thắng cảnh độc đáo đã giúp cho Lý Sơn trở thành điểm thu hút du lịch hấp dẫn trong vài năm trở lại đây. Từ một huyện đảo xa xôi, cách trở, giờ đây Lý Sơn đã trở thành điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2014, Lý Sơn đã đón trên 36 ngàn lượt khách du lịch đến tham quan. Riêng trong quý I/2015 này, có gần 16 ngàn lượt khách ra thăm đảo, tăng đến 12,5 ngàn lượt khách so với cùng kỳ 2014. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2014 đạt 765 tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm trước. Thu nhập bình quân GDP đầu người năm 2014 đạt 18,7 triệu đồng. Riêng quý I/2015, giá trị sản xuất đạt gần 200 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước.

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Lý Sơn.
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Lý Sơn.


Ngoài chú trọng phát triển các ngành nghề kinh tế, huyện Lý Sơn còn coi trọng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Nhiều công trình phúc lợi đã được đầu tư mạnh mẽ suốt những năm qua như: Đường giao thông, bệnh viện, trường học, chợ, cảng cá, vũng neo trú tàu thuyền, kè chống sạt lở, các phương tiện vận tải, thông tin liên lạc... Nhờ đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên đảo không ngừng phát triển. Tuyến giao thông huyết mạch nối đất liền với đảo lớn và đảo bé với đảo lớn được thông suốt và rút ngắn thời gian hành trình.

Kinh tế, xã hội ổn định, đời sống người dân không ngừng được nâng lên đã góp phần củng cố và giữ vững quốc phòng- an ninh trên hòn đảo tiền tiêu này.  Từ sau ngày giải phóng đến nay, diện mạo các khu dân cư trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc. Hàng trăm công trình phục vụ dân sinh được Nhà nước đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đang phát huy hiệu quả, giúp người dân làm ăn và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng; củng cố hệ thống chính trị, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ trẻ kế cận luôn được lãnh đạo huyện quan tâm, từng bước thực hiện có hiệu quả. Đời sống văn hóa tinh thần và dân trí trên địa bàn không ngừng được nâng cao. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm đầu tư.

Vận hội mới

Năm 2014 là năm có dấu ấn đặc biệt với nhân dân Lý Sơn khi mà điện lưới quốc gia xuyên biển đã ra đảo. Đây là điều kiện cơ bản để Lý Sơn bước vào giai đoạn phát triển mới. Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có vị trí chiến lược trong bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, mục tiêu phát triển của Lý Sơn là theo hướng trở thành đô thị biển xanh, sạch đẹp, văn minh. Đảng bộ và nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống đội hùng binh năm xưa, ý thức rõ trách nhiệm lịch sử của Đảng và Nhà nước giao, nên sẽ tiếp tục vận động và tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân kiên trì vươn khơi bám biển ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lý Sơn hiện có 4 di tích cấp quốc gia, một di sản phi vật thể cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa khác cộng với danh lam thắng cảnh độc đáo là tài sản vô cùng quý báu để phát triển du lịch. Hạ tầng, dịch vụ cho du lịch từng bước đã được đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại, nghỉ ngơi và phục vụ du khách. Vì thế, Đảng bộ Lý Sơn xác định du lịch cũng là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện để tập trung đầu tư phát triển trong những năm đến.

 Kinh tế biển được Lý Sơn xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong nhiều năm qua và trong tương lai. Ảnh: PV
Kinh tế biển được Lý Sơn xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong nhiều năm qua và trong tương lai. Ảnh: PV


Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng chiến lược phát triển trước mắt và lâu dài dựa trên tiềm năng và thế mạnh sẵn có của đảo, kết hợp đầu tư có hiệu quả các nguồn lực được huy động. Xác định phát triển kinh tế biển là chủ đạo, bên cạnh đó là duy trì các cây trồng truyền thống của người dân địa phương, tiến hành quy hoạch để hình thành khu dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, những đội tàu cá hùng hậu. Ngoài ra, kết hợp phát triển du lịch – dịch vụ và thương mại để Lý Sơn bứt phá đi lên theo hướng bền vững.

Hiện nay, Đảng bộ, quân và dân Lý Sơn đang ra sức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh và huyện nhà. Đặc biệt là, lập thành tích chào mừng 40 năm ngày giải phóng huyện đảo; đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Hy vọng với những thành tựu đạt được sau 40 năm giải phóng và 22 năm thành lập huyện sẽ là tiền đề, tạo ra niềm tin và động lực mới để người dân quyết tâm tiếp tục xây dựng huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh trong những năm đến.

 

Bài, ảnh: X.THIÊN
 


.