Không thể làm du lịch theo kiểu "ăn xổi ở thì"!

10:03, 28/03/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Từ vài năm nay, đảo Lý Sơn trở thành điểm đến yêu thích cho du khách trong nước vào mỗi dịp lễ tết. Đó là điều rất đáng mừng. Dẫu vậy, làm gì để Lý Sơn trở thành điểm du lịch lý tưởng, níu giữ du khách trở lại?

TIN LIÊN QUAN

Những ai đã từng đặt chân lên đảo Lý Sơn này đều bị mê hoặc bởi một hòn đảo đẹp hoang sơ như một bức tranh thiên nhiên trong tranh vẽ. Cát trắng, nắng vàng, biển xanh và những dấu tích do thiên nhiên mài dũa đã tạo nên một hòn ngọc, thiên đường giữa biển khơi.

Với những tiềm năng và thế mạnh của mình, đảo Lý Sơn đang đặt ra mục tiêu lấy du lịch làm mũi nhọn gắn liền với nông nghiệp và ngư nghiệp. Với mục tiêu ấy, Lý Sơn đang rất cố gắng để phát huy thế mạnh phát triển du lịch. Tuy nhiên, để trở thành một nơi hấp dẫn du khách, cách làm du lịch ở Lý Sơn cần phải thông minh hơn để không rơi vào “điểm xấu” mà nhiều nơi đang vấp phải.

 

Những năm gần đây, Lý Sơn luôn thu hút lượng khách du lịch lớn ra thăm đảo mỗi dịp lễ tết.
Những năm gần đây, Lý Sơn luôn thu hút lượng khách du lịch lớn ra thăm đảo mỗi dịp lễ tết.


Dịp ngày 8.3 vừa qua, có trên 1.000 du khách đăng ký ra tham quan đảo. Ở nơi vốn đất chật người đông này lại trở nên quá tải bởi du khách nội địa kéo nhau ra đảo tham quan, trong đó có cả du khách nước ngoài. Toàn bộ khách sạn, nhà nghỉ trên đảo đều trong trạng thái kín chỗ. Nhiều trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước trên đảo được “mượn tạm” để khách lưu trú.

Thay vì vui mừng, “kích cầu” du lịch để níu chân du khách trở lại thì không ít nơi, không ít người đã nhân cơ hội chặt chém du khách. Chúng tôi có dịp trò chuyện với nhóm du khách đến từ Đà Nẵng, họ than phiền giá cả ở Lý Sơn quá đắt so với một thành phố đô thị loại I như Đà Nẵng. Chẳng hạn như giá phòng ở khách sạn bị đẩy lên rất cao, thậm chí đến 800.000 đồng/đêm.

Lượng khách quá đông nên 9 xe taxi của hãng Tiên Sa chỉ phục vụ được một phần nhỏ nhu cầu đi lại của khách dù phải hoạt động 24/24. Vì thế, xe máy được hầu hết du khách chọn làm phương tiện để đi lại. Nhân cơ hội này, cánh xe ôm, dịch vụ cho thuê xe máy thừa cơ hội chặt chém du khách.

Trông người mà nghĩ đến ta, nếu như ở thành phố nổi tiếng du lịch Đà Nẵng, du khách chỉ cần bỏ ra từ 60 đến 100 nghìn đồng mỗi ngày có thể dễ dàng thuê một chiếc xe máy loại “sang” để tiện đi lại thì ở Lý Sơn “cá mè một lứa” là 150 nghìn đồng, nhưng nhiều du khách lại dở khóc dở cười khi gặp phải chiếc xe “cà xịt cà bụp”.

Cánh xe ôm thì mừng như mở hội vì muốn giá nào được giá ấy. Chở chúng tôi đi được vỏn vẹn chừng 1 cây số, một bác xe ôm hét giá 50.000 đồng. Trong khi ở Đà Nẵng, tôi đã từng đi xe ôm chừng 6 cây số chỉ mất 25.000 đồng. Đó là chưa kể đến các dịch vụ khác như ăn uống, quà lưu niệm…

 

Lý Sơn
Lý Sơn đang chọn du lịch làm mũi nhọn gắn với nông nghiệp, ngư nghiệp.


Theo bà Huỳnh Thị Phương Hoa- Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, nếu làm du lịch theo kiểu “thời vụ” sẽ mất thương hiệu ngay. Thời gian tới, Sở sẽ có yêu cầu huyện Lý Sơn thường xuyên thanh, kiểm tra để chấn chỉnh, không để tình trạng lợi dụng cơ hội để “chặt chém" du khách.

Nhằm tăng sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến với huyện đảo Lý Sơn, cuối năm 2014, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đưa một số người dân huyện đảo Lý Sơn tham quan trải nghiệm cách làm du lịch cộng đồng (homestay) ở phố cổ Hội An. Đến nay, có 15 hộ gia đình, trong đó có 8 nhà cổ đăng ký tham gia mô hình này.

Với hình thức làm du lịch này, huyện Lý Sơn đã xây dựng Dự thảo kế hoạch triển khai mô hình trồng Tỏi kiểu mẫu để phục vụ khách du lịch tạo sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của địa phương. Huyện huyện cũng đã mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho 130 người tham gia.

Một tin vui đến với Lý Sơn khi Tập đoàn Mường Thanh có ý định muốn xây dựng tại huyện Lý Sơn một khách sạn quy mô 7 tầng, 150 phòng với các trang thiết bị, tiện nghi đảm bảo chất lượng của khách sạn 4 sao để phát triển du lịch.

Tại buổi làm việc với huyện về chính sách phát triển Lý Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển Lý Sơn nhấn mạnh: Lý Sơn là đảo tiền tiêu có vị trí chiến lược quan trọng mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung. Vì vậy, Lý Sơn phải có chiến lược toàn diện phát triển theo hướng đô thị biển xanh, sạch, đẹp và phát triển kinh tế kết hợp với an ninh quốc phòng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy quả quyết: Với điều kiện đất đai hạn hẹp, nguồn nước ngọt hạn chế, Lý Sơn không thể lấy nông nghiệp làm mũi nhọn mà phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy du lịch làm mũi nhọn.

Làm du lịch, để thu hút du khách và níu giữ du khách quay lại, điều quan trọng nhất là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xử sự văn minh, đặc biệt tránh việc “ăn xổi ở thì”. Nếu nhận thức của mọi người nâng lên mới tạo được ấn tượng tốt đẹp trong mắt du khách.

 

Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.