Hướng đi mới cho người nuôi tôm

09:03, 12/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dịch bệnh và môi trường nước bị ô nhiễm khiến người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Một trong những giải pháp giúp người dân Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi) khắc phục được tình trạng này đó là thả cá dìa vào hồ tôm sú để nuôi kết hợp.

TIN LIÊN QUAN

Dễ nuôi, ít dịch bệnh

Sau những vụ tôm thất thu vì dịch bệnh, ông Phạm Đức và Phạm Văn Vỹ ở thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa rất phấn khởi khi được Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư  hướng dẫn cách nuôi mới, đó là nuôi tôm sú kết hợp với cá dìa.

Người nuôi tôm ở Tịnh Hòa đang tất bật cải tạo hồ để thả nuôi tôm vụ mới.
Người nuôi tôm ở Tịnh Hòa đang tất bật cải tạo hồ để thả nuôi tôm vụ mới.


Sau 4 tháng thả nuôi (từ tháng 4 đến tháng 8 năm ngoái), chỉ với diện tích ao nuôi 2.500m2, ông Vỹ đã thu về gần 4 tạ tôm, 2 tạ cá dìa. Vì vậy, bước vào vụ tôm năm nay, ông Vỹ đang tất bật tu sửa và mở rộng hồ để tiếp tục vụ nuôi mới. “Tôm sú năm rồi có giá 350 nghìn đồng/kg, còn cá dìa bán ra với giá 100 nghìn đồng/kg (chỉ 2-3 con là đủ 1 kg-PV). Cùng một diện tích mà nuôi kết hợp được hai loại, giá trị kinh tế lại cao, nên tôi sẽ tiếp tục nuôi trong năm nay”.

Với đặc tính ăn tạp, cá dìa ăn hết các rong tảo cùng thức ăn thừa của tôm giúp môi trường nuôi luôn sạch. Nhờ đó, tình trạng dịch bệnh ở tôm được giảm thiểu. Quan trọng hơn cả là khi nuôi ghép với tôm sú, tôm sống ở tầng mặt, còn cá dìa sống ở tầng đáy, nên tôm sú vẫn phát triển tốt. Vừa mang lại hiệu quả kinh tế khi chỉ với một diện tích mà người nuôi tôm có thể nuôi kết hợp hai loại thủy sản, hơn nữa cá dìa lại có thể giúp người nuôi tôm tiết kiệm chi phí vệ sinh hồ. Vì vậy, việc nuôi cá dìa kết hợp tôm sú đang là hướng đi mới cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Nhất là trong những năm gần đây, tình trạng người nuôi phải “treo” hồ vì dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng.

Tiến tới nhân rộng

Sau khi nhận thấy hiệu quả do mô hình mang lại, người nuôi tôm ở Tịnh Hòa hiện đang tất bật cải tạo hồ ao, hỏi thăm kinh nghiệm nuôi trồng để học theo. Tuy nhiên, nguồn giống cá dìa vẫn chủ yếu từ tự nhiên, nên nếu bà con đồng loạt nhân rộng, thì tình hình con giống liệu có đảm bảo?

Ông Huỳnh Tiến Lên, người sắp sửa chuẩn bị nuôi cá dìa kết hợp với tôm sú trong vụ mới cho biết: “Hiện nguồn cá dìa giống được chúng tôi hỏi mua ở những người đánh lưới rập tại địa phương. Còn thức ăn cho cá dìa thì ngoài nguồn rong tảo trong hồ, chúng tôi còn có thể tận dụng nguồn rong tảo ở cửa biển. Tuy nhiên, nếu đồng loạt nhiều hộ cùng nuôi, thì con giống, rong tảo... khó có đủ để đáp ứng”.

Trả lời cho những trăn trở của bà con nông dân, ông Ngô Hữu Hạ - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư tỉnh cho biết, vì cá dìa chỉ đóng vai trò giúp môi trường hồ nuôi được đảm bảo, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. Vì thế nên bà con nông dân không cần đặt nặng số lượng con giống cá dìa, mà chỉ nên xem tôm là chủ lực.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.