Đồng hành để vững vàng hội nhập

09:03, 12/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2015 được xác định là năm mà Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng với một loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết, đặc biệt Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến được thành lập vào cuối năm. Trong năm bản lề này, ngoài sự nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp, họ cũng cần sự “tiếp sức” từ các cơ quan nhà nước.

TIN LIÊN QUAN

Thị trường rộng mở

Trong năm 2015, Việt Nam sẽ sớm thực hiện các cam kết theo các Hiệp định mới ký kết gồm: Hiệp định thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (EAC) vào cuối năm 2015…

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.


Việc thực thi các hiệp định thương mại trong thời gian tới sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Các doanh nghiệp đang đứng trước những thuận lợi chưa từng có để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo cơ hội cho DN thúc đẩy xuất khẩu thông qua mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại cho hàng hóa Việt Nam, đồng thời giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp lại đang lo bởi sức ép cạnh tranh cũng đến ngay tức thì. Sự cạnh tranh cũng không chỉ gói gọn trong lĩnh vực hàng hóa, mà còn mở rộng sang dịch vụ, đầu tư, thậm chí trong chính sự di chuyển của nguồn lao động có kỹ năng giữa các nước ASEAN.

“Cuộc chiến” cam go

Việc gia nhập sân chơi mới với hàng loạt hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế lớn, các cường quốc đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm rõ “luật chơi”, cũng như hiểu hơn về đối tác và văn hóa của họ. Thế nhưng dù thời gian không còn nhiều nhưng vẫn có không ít doanh nghiệp chưa được đầu tư, trang bị kiến thức cho "cuộc chiến" cam go sắp tới. Theo thống kê, có đến 80% số doanh nghiệp đang rất thờ ơ, hoặc không nhận biết được việc hội nhập sâu rộng đã đến gần. Đáng lo ngại nhất vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi họ sẽ gặp sự cạnh tranh rất lớn ngay tại sân nhà, khi các doanh nghiệp lớn của nước ngoài tràn vào, chứ chưa nói việc tận dụng cơ hội để mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến thực phẩm lo lắng, với nguồn lực có hạn nên việc đầu tư, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm giá thành để cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. Đấy là chưa kể đến mẫu mã sản phẩm cũng như kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài trong việc tổ chức thị trường.

Doanh nghiệp-chính quyền cùng đồng hành

Để chuẩn bị hội nhập toàn diện, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc cung cấp các thông tin về chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin cụ thể về các ưu đãi từ các hiệp định thương mại song phương, các quy định, luật pháp quốc tế về xuất nhập khẩu hàng hóa..., đồng thời hỗ trợ các chương trình đào tạo kỹ năng quản trị, kiến thức hội nhập cũng như đào tạo nguồn nhân lực. Quảng Ngãi hiện có hơn 4.200 doanh nghiệp đang hoạt động và hiện nay các doanh nghiệp đã đóng góp trên 80% GPD và 90% nguồn thu ngân sách của tỉnh. Thế nên, việc các doanh nghiệp Quảng Ngãi “sống” và “sống khỏe” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của tỉnh trong những năm đến.

Ông Võ Thành Đàng-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ngãi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho biết, hiện nay Nhà nước đã ban hành các chính sách tương đối đầy đủ và sát đúng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Vấn đề là làm sao để những chính sách sát đúng ấy vào được đời sống doanh nghiệp một cách thông thoáng – an toàn - ổn định lâu dài. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản trị hành chính công của tỉnh.

Tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp vừa được tổ chức vào tháng 2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ cho rằng, nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, đòi hỏi Nhà nước, cộng đồng doanh nhân chủ động cơ cấu lại nền kinh tế; đổi mới công nghệ, quản trị doanh nghiệp để tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vì thế, trước hết các sở, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, mở rộng thị trường, phối hợp với các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia mở các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề cho cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp; cập nhật đầy đủ, kịp thời các chuyển biến của thị trường trong nước, khu vực và thế giới. “Thị trường bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm dịch vụ là yếu tố quyết định thúc đẩy sản xuất phát triển”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU
 


.