Công nghiệp Quảng Ngãi: Bứt phá sau những đột phá

06:03, 27/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từng là một tỉnh thuần nông, nhưng công nghiệp Quảng Ngãi đã có những bước phát triển vượt bậc và hiện đang vững chân để trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Tất cả nhờ sự đột phá vào lĩnh vực này.

TIN LIÊN QUAN

Chọn công nghiệp làm khâu đột phá, Tỉnh uỷ khoá XVII đã ban hành Nghị quyết 02 về phát triển công nghiệp và Nghị quyết 03 về phát triển Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất (trong lĩnh vực công nghiệp). Tiếp đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015 tiếp tục có Nghị quyết, xác định công nghiệp là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh. Để thực hiện nhiệm vụ đột phá phát triển công nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, kêu gọi thu hút đầu tư, đồng thời tập trung mọi nguồn lực để phát triển theo định hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.

Phân vai phát triển

Nhằm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để phát triển công nghiệp, tỉnh đã “phân vai” cụ thể cho từng khu, cụm công nghiệp. Ở KKT Dung Quất trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc dầu, cơ khí, chế tạo, đóng tàu... gắn với phát huy lợi thế cảng nước sâu, góp phần đưa Dung Quất thành KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Các khu công nghiệp của tỉnh thì khuyến khích đầu tư các ngành công nghiệp nhẹ. Trong khi đó, các cụm công nghiệp, làng nghề khuyến khích thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư các ngành nghề cơ khí phục vụ nông nghiệp và nông thôn; chế biến nông, lâm, thuỷ sản và sử dụng nhiều nguyên liệu, lao động tại chỗ... Vì thế, dù phát triển trong quãng thời gian chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng công nghiệp Quảng Ngãi đã đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Dây chuyền bia chai Dung Quất. Ảnh: T.L
Dây chuyền bia chai Dung Quất. Ảnh: T.L


Bước chuyển của công nghiệp Quảng Ngãi được đánh dấu khi Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất được tái khởi động vào năm 2005. Đây được xem là mốc son trong tiến trình phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công trình trọng điểm quốc gia này không chỉ đặt nền móng cho ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước mà có ý nghĩa quyết định, là hạt nhân trong quá trình phát triển của KKT Dung Quất (cũng như các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh), và là trụ cột chính tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm qua.

Từ khi đi vào sản xuất thương mại, với việc vận hành nhà máy an toàn, ổn định và hiệu quả, Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn đóng góp hơn 80% tổng giá trị công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi. Ông Đinh Văn Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, từ thời điểm đi vào hoạt động đến nay, NMLD Dung Quất đã chế biến 33 triệu tấn dầu thô, xuất ra thị trường 31 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng, cung cấp hơn 30% xăng dầu cả nước. Doanh thu thuần đạt 636 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 100 nghìn tỷ đồng. “Nếu so với tổng quyết toán nhà máy là hơn 33 nghìn tỷ đồng thì con số này là một minh chứng thuyết phục và tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chính phủ trong quyết định đầu tư nhà máy tại Quảng Ngãi”-ông Ngọc tự hào khẳng định.

Ngoài sản phẩm của nhà máy lọc dầu, Quảng Ngãi cũng đã có các sản phẩm mới có hàm lượng giá trị gia tăng cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu như sản phẩm cơ khí chế tạo của công nghiệp nặng Doosan, linh kiện điện tử Foster, giày Rieker, hạt nhựa Polypropylene, thủy sản Gallant Dachan… Trong khi các mặt hàng truyền thống và thế mạnh của tỉnh Quảng Ngãi như đường, sữa, nước khoáng, bia, dăm gỗ tiếp tục có bước tăng trưởng khá. Ông Võ Thành Đàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi vui mừng cho hay, các sản phẩm của Công ty như Vinasoy, Thạch Bích, đường RS, bánh kẹo Biscafun… hiện đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành những sản phẩm chủ lực đưa doanh thu của Công ty trong năm 2014 đạt gần 7 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 700 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 5.500 lao động.

Sau 2 nhiệm kỳ đột phá, công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã phát triển nhảy vọt, có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả quy mô lẫn năng lực sản xuất, thật sự giữ vai trò đột phá trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, tác động tích cực đến phát triển đô thị và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh.

Tỷ trọng công nghiệp trong GDP từ 30% năm 2005 lên 46,12% năm 2010, góp phần nâng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 28% năm 2005 lên 54% năm 2010 và đến nay, lĩnh vực công nghiệp-xây dựng chiếm 61,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2005-2010 tăng bình quân 52,78%/năm, gấp hơn 3 lần tăng bình quân thời kỳ 2001 – 2005. Đến năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 20.600 tỷ đồng. Những con số trên quả vô cùng ấn tượng, nếu như nhìn ngược về những năm đầu sau giải phóng, giá trị sản xuất công nghiệp chưa đến 50 tỷ đồng và đến những năm đầu thập niên 1990, tỷ trọng công nghiệp cũng chỉ chiếm 16% GDP của tỉnh.

Tạo sự bứt phá mới

KKT Dung Quất đã mở rộng lên hơn 45 nghìn ha đã và đang tiếp tục quy hoạch các khu công nghiệp theo mô hình “khu trong khu”. Ban quản lý các KCN tỉnh cũng đã tiến hành lập đề án quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 bổ sung thêm 2 KCN Phổ Khánh (Đức Phổ) và KCN Đồng Dinh (Nghĩa Hành), mỗi KCN có diện tích 500ha, ngoài 3 KCN Quảng Phú, Tịnh Phong và Phổ Phong đang dần được lấp đầy. Các cụm công nghiệp-làng nghề cũng đang được rà soát, đầu tư để phát huy hiệu quả.

 

Sản phẩm cơ khí chế tạo của Doosan Vina xuất khẩu ra nước ngoài có hàm lượng giá trị gia tăng cao.   	Ảnh: H.T
Sản phẩm cơ khí chế tạo của Doosan Vina xuất khẩu ra nước ngoài có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Ảnh: H.T

Trong dòng chảy phát triển của công nghiệp Quảng Ngãi không thể không kể đến việc Quảng Ngãi đã thu hút dự án Khu Công nghiệp-Đô thị và Dịch vụ VSIP do Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tư. Dự kiến, thời gian đến những nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào KCN VSIP Quảng Ngãi sẽ không dưới 1 tỷ USD (hiện đã thu hút 10 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 180 triệu USD). Thêm vào đó, các dự án trọng điểm như Dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm với tổng vốn đầu tư trên 1,82 tỷ USD và Dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất có công suất thiết kế 1.200 MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD của Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đang được triển khai, cùng triển vọng của Dự án đưa khí vào bờ… sẽ tạo sức bật mới cho phát triển công nghiệp.

Ông Phạm Như Sô-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, công nghiệp vẫn là khâu đột phá của tỉnh thời gian tới. Hoạch định trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng GDP về lĩnh vực công nghiệp vẫn là chủ đạo để đưa GDP giai đoạn tới tăng từ 7-8%. Về giá trị sản xuất công nghiệp, tỉnh dự kiến tăng khoảng 9%. Với những thành tựu đã đạt được, cùng với những dự án công nghiệp trọng điểm đã và đang triển khai là nền tảng quan trọng để công nghiệp Quảng Ngãi tiếp tục bứt phá trong tương lai gần, để đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
 
HOÀNG TRIỀU

 

.