Nhìn lại thị trường Tết Ất Mùi

02:02, 28/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa Tết vừa qua được đánh giá có sự bình ổn về thị trường cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, công tác bình ổn giá thị trường cũng như quản lý thị trường Tết của tỉnh nhìn lại vẫn còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm.

Hàng hóa dồi dào

Sau Tết, hàng hóa phục vụ Tết còn tồn khá nhiều trên thị trường.  Một phần vì sức mua chỉ tăng nhẹ, phần vì lượng cung gần như bão hòa với nhu cầu tiêu dùng. Chính vì hàng hóa dồi dào, phong phú, nên giá cả các mặt hàng khô, lương thực, bia, nước giải khát... trên thị trường không có biến động nhiều về giá như mọi năm.

Đưa hàng về đảo Lý Sơn trong những ngày trước Tết.
Đưa hàng về đảo Lý Sơn trong những ngày trước Tết.


Kể cả đến ngày 29, 30 Tết – thời điểm mà hầu như năm nào hàng hóa cũng tăng giá, thì năm nay, giá vẫn bình ổn. Thậm chí, đến ngày cận Tết, một số mặt hàng như bia, nước giải khát, bánh kẹo… tại các đại lý, siêu thị có sự giảm giá chút ít để tăng sức mua, nhằm tiêu thụ hàng. Ví dụ, các loại bia bán phục vụ Tết tại Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi giá bán thấp hơn từ 2-10 ngàn đồng/thùng so với các siêu thị khác trên địa bàn trong tỉnh. Bánh kẹo bán tại siêu thị Thành Nghĩa giá thấp hơn từ 3 – 11 ngàn đồng/kg so hàng cùng loại ngoài thị trường.

Đặc biệt, Tết Ất Mùi năm nay, hàng hóa đưa về miền núi và hải đảo dồi dào hơn những năm trước. Quần áo, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, lương thực được các tiểu thương đưa về các huyện miền núi khá nhiều. Nhiều tiểu thương còn linh động bán trả chậm cho các hộ dân điều kiện khó khăn. Đồng thời, hàng hóa cứu trợ, cấp phát theo chế độ cũng được chính quyền và các tổ chức, cá nhân đưa về kịp thời, vì thế người dân miền núi đã có một cái Tết khá đủ đầy.

Tại huyện đảo Lý Sơn, ròng rã cả tháng trời hàng Tết từ hoa, cây cảnh, thực phẩm, lương thực được ào ạt đưa về phục vụ nhân dân nơi đây. Mọi năm, giá cả ở đảo trong những ngày cận Tết và sau Tết tăng vọt, nhưng năm nay giá được giữ khá ổn định ở hầu hết các mặt hàng.

Các cơ quan quản lý thị trường của tỉnh đã làm việc xuyên suốt cả tháng kéo dài từ trước, trong và sau Tết; nhất là tăng cường lực lượng ở hải đảo và miền núi, đảm bảo mục tiêu ngăn chặn hiệu quả hàng hết hạn sử dụng, hàng kém phẩm chất lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao để đưa về các địa bàn này tiêu thụ.

Tại các thị tứ, thị trấn, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát; đồng thời phối hợp lực lượng chốt chặn các xe hàng trên Quốc lộ 1 để ngăn chặn hàng lậu, hàng không hóa đơn chứng từ, hàng giả. “Công tác kiểm soát thị trường Tết thực hiện khá hiệu quả, đạt kế hoạch đề ra”, ông Trần Quang Toản- Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh cho biết.

Tăng giá “đột biến”, hàng giả trà trộn

Ngày 29 và 30 Tết, trong khi các siêu thị và vùng đô thị giá cả được giữ khá ổn định thì tại các vùng thôn quê, giá một số mặt hàng tăng đột biến, thậm chí gấp 2 – 3 lần so với ngày thường. Tại chợ Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), trưa ngày 29 Tết, thịt heo, thịt bò tăng giá gần gấp đôi so với ngày thường. Thịt heo từ 150 – 160 ngàn đồng/kg; thịt bò từ 200 – 350 ngàn đồng/kg tùy loại. Cá thu loại 1 giá 250 – 300 ngàn đồng/kg… Sự tăng giá này do các tư thương tự ý đẩy lên khi phán đoán sức mua của người dân tăng vào những ngày này.

Chợ Nghĩa Phú phục vụ nhu cầu người dân các xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa An, nên Tết đến người dân đổ về đây mua sắm rất đông. Với dân quê chủ yếu sống dựa vào nghề nông và nghề biển, những ngày cận Tết mới đi mua sắm. Cùng đổ về chợ một lúc mua hàng, dẫn đến hàng hóa khan hiếm cục bộ, tư thương được dịp nâng giá.

Vấn nạn hàng giả Tết Ất Mùi có hạn chế hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, Tết này lại xuất hiện những nhóm hàng giả... mới. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại vào ngày cận Tết Ất Mùi, các thành viên Ban chỉ đạo đã báo cáo tình trạng “thịt bò khô giả” tràn ngập thị trường Tết. Một số cơ sở làm bò khô đã sử dụng thịt heo nái để làm giả bò khô. Ông Trần Quang Toản – Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh khẳng định: Mặc dù heo làm giả bò khô không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người tiêu dùng, song đã gây thiệt hại không nhỏ cho người mua. Thay vì bỏ tiền cao hơn để mua bò khô thì lại được bán cho heo khô với giá chỉ bằng một nửa giá trị thực của hàng hóa. Việc này cũng đã được lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý đối với một số cơ sở vi phạm.

Các mặt hàng rau xanh cận Tết cũng tăng đột biến, mặc dù nguồn cung khá dồi dào. Giá tận ruộng chỉ bằng 30% giá bán đến tay người tiêu dùng. Nguyên nhân tăng giá là do các tiểu thương bán lẻ tại chợ phán đoán sức mua tăng đã tự ý đẩy giá lên, trong khi sự kiểm soát của lực lượng chức năng lại chưa kịp thời. Giá dưa leo, khổ qua, bắp cải vào ngày cận Tết tại chợ đã đẩy lên từ 15– 25 ngàn đồng/kg; giá các loại rau ăn lá cũng tăng gần gấp đôi so ngày thường.


Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.