KCN, KCX, KKT duyên hải miền Trung: "Trở mình" phát triển

02:02, 11/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nằm dọc dài duyên hải miền Trung, các Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất (KCX), Khu kinh tế (KKT) trong khu vực đang “trở mình” liên kết để phát triển. Những dự án lớn đã và đang được khởi động tại khu vực này mở ra kỳ vọng đưa cả vùng duyên hải miền Trung cất cánh.

TIN LIÊN QUAN

Bến đỗ của những dự án lọc dầu

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm,  ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, của đất nước nói chung và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư tại các KCN, KCX, KKT bị giảm sút, tình hình thu hút đầu tư và triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn, thế nhưng các KCN, KCX, KKT trong khu vực đã có những nỗ lực vượt bậc.

Năm 2014, các KCN, KCX, KKT duyên hải miền Trung đã thu hút 114 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 51 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu là KKT Dung Quất, thu hút 13 dự án, với tổng vốn khoảng 38 nghìn tỷ đồng, lớn nhất là dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất có số vốn đầu tư 1,82 tỷ USD.

Với lợi thế của cảng biển nước sâu, khu vực duyên hải miền Trung đang là “bến đỗ” của các dự án lọc hóa dầu. Trong ảnh: NMLD Dung Quất đang thực hiện các bước để nâng cấp, mở rộng.
Với lợi thế của cảng biển nước sâu, khu vực duyên hải miền Trung đang là “bến đỗ” của các dự án lọc hóa dầu. Trong ảnh: NMLD Dung Quất đang thực hiện các bước để nâng cấp, mở rộng.


Lũy kế đến nay, các KCN, KCX, KKT khu vực này thu hút hơn 1.160 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 600 nghìn tỷ đồng. Trong số này có khoảng 200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện nay,  KKT Vân Phong (Khánh Hòa) dẫn đầu khu vực về số vốn đăng ký đầu tư, với 12,7 tỷ USD (tương đương 250 nghìn tỷ đồng), KKT Dung Quất đạt 10,4 tỷ USD (tương đương 210 nghìn tỷ đồng)… Cũng trong năm 2014, các doanh nghiệp hoạt động trong KCN, KCX, KKT đã nộp ngân sách nhà nước hơn 44 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm qua, ngoài dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, hai dự án lớn khác về lọc dầu trong khu vực cũng đã có những chuyển động tích cực. Ông Mai Ngọc Lý-Trưởng Ban quản lý KKT Bình Định cho hay, Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu tại KKT Nhơn Hội do chủ đầu tư đã hoàn thành báo cáo tiền khả thi và Chính phủ đã đồng ý cho lập báo cáo khả thi. Và dự án có tổng vốn đăng ký 22 tỷ USD này đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung vào quy hoạch phát triển dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025.

Tại Phú Yên, dự án NMLD Vũng Rô do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư được triển khai xây dựng trên diện tích 538ha tại KCN Hòa Tâm - KKT Nam Phú Yên. Dự án này có tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD, với công suất 8 triệu tấn/năm. Đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại địa phương này.

Tìm hướng liên kết    

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất Phạm Như Sô cho rằng, dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng mối liên kết của các KCN, KCX, KKT của khu vực duyên hải miền Trung vẫn còn dè dặt, rời rạc chưa thật sự cởi mở. Do vậy, việc liên kết để phát huy sức mạnh tổng hợp vùng duyên hải miền Trung; mang lại lợi ích kinh tế xã hội bền vững và tạo đà phát triển cho từng tỉnh, cũng như cả vùng cần phải được đi sâu hơn.

Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2014, gợi mở một số giải pháp nhằm phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương GS.TS Vương Đình Huệ yêu cầu, phải tiếp tục hoàn thiện căn bản thể chế kinh tế vùng, đẩy nhanh việc cơ cấu lại các vùng kinh tế. Trước hết là rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Quy định cụ thể và thực thi cơ chế điều phối vùng kinh tế.

GS.TS Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh lợi ích của phát triển mạnh kinh tế biển đảo, nhất là cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ… gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển.

Bên cạnh việc thống nhất cao trong việc tiếp tục tìm cơ chế liên kết, hợp tác, đại diện lãnh đạo các Ban quản lý cũng đề nghị Bộ KH&ĐT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 164/2003/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14.3.2008 quy định về KCN, KCX, KKT để có cơ sở điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các Ban quản lý, nhằm đạt được hiệu lực theo pháp luật qui định.

Ông Hoàng Đình Phi-Phó Ban quản lý KKT Vân Phong (Khánh Hòa) đề xuất, các Ban quản lý cần có tiếng nói chung với các cơ quan trung ương để sớm triển khai xây dựng, ban hành Luật KCN, KKT để tạo khung pháp lý cao nhất và giải quyết các vướng mắc, tồn tại.

Tìm hướng liên kết, Ban quản lý các KCN, KCX, KKT trong khu vực đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư, thu hút các dự án đầu tư vào các KCN, KCX, KKT; công tác cải cách hành chính, triển khai việc cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng internet, duy trì thực hiện Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, tạo điều kiện phục vụ nhà đầu tư một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đại diện lãnh đạo các Ban quản lý cũng kiến nghị cần ban hành cơ chế phối hợp các hoạt động thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong KCN, KCX, KKT để giảm phiền hà cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.


Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU


 


.