Việt Nam có 8 DN đủ khả năng lọt vào bảng xếp hạng Fortune 500 Hoa Kỳ

02:01, 27/01/2015
.

Sáng 27/1, Công ty Vietnam Report cùng Báo VietnamNet chính thức tổ chức lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500- Top 500 doanh nghiệp (DN) lớn nhất Việt Nam và Top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2014 nhằm tôn vinh và ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh xuất sắc của các DN lớn tại Việt Nam.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt trong năm 2014 vừa qua, khi tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đạt khoảng 5,96% và tỷ lệ lạm phát thấp, khoảng 4%, các DN lớn Việt Nam cũng đã dần khẳng định được vị thế của mình trong cộng đồng DN nước nhà.

Theo thống kê của Vietnam Report, nếu so sánh với Bảng xếp hạng Fortune 500 của Hoa Kỳ, năm nay có 8 doanh nghiệp trong BXH VNR500 hoàn toàn đủ tiêu chí để lọt vào BXH này (trong BXH VNR500 năm 2013, có 7 DN đủ tiêu chí doanh thu để lọt vào BXH Fortune 500 – 2013 của Hoa Kỳ).

DN ngành khoáng sản, xăng dầu “giàu nhất”

Cũng theo thống kê của Vietnam Report, thành phần chủ đạo của BXH 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2014 vẫn là khối DN Nhà nước, cho thấy quá trình cổ phần hóa DNNN mặc dù được tập trung hơn cả trong năm vừa qua nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Xét về ngành nghề, ngành khoáng sản – xăng dầu vẫn là ngành “giàu nhất” trong BXH. Đây sẽ là một thử thách cho các nhà điều hành kinh tế, bởi rõ ràng nền kinh tế hiện nay vẫn bị phụ thuộc vào nhóm ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặt trong bài toán tăng trưởng bền vững, thời gian tới cần khuyến khích phát triển các ngành tiềm năng của Việt Nam như ngành chế biến, chế tạo và công nghệ thông tin…
 

Khai thác dầu khí ngoài khơi. Ảnh Internet.
Khai thác dầu khí ngoài khơi. Ảnh Internet.


41 DN lọt vào “Câu lạc bộ tỷ đô”

Đáng chú ý, trong BXH VNR500 năm nay có 41 DN lọt vào “Câu lạc bộ tỷ đô” (bao gồm các DN có tổng doanh thu đạt trên 1 tỷ USD), tương đương hơn 8% số DN VNR500, trong đó có 4 DN thuộc khối tư nhân trong nước. Xét về số lượng, DN tư nhân, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, hiện đang chiếm phần đông trong toàn nền kinh tế và có xu hướng ngày một gia tăng, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa được cải thiện tương xứng. Kết quả từ cuộc khảo sát gần đây nhất của Vietnam Report cho thấy, nhu cầu về vốn của các DN tư nhân đang rất cao. Việc thiếu vốn kinh doanh đã làm hạn chế khối DN này phát huy hết tiềm năng của mình, lấy đi sự tự tin của các DN vốn được đánh giá là năng động và sáng tạo nhất của nền kinh tế. Đây cũng là một thách thức mới cho DN tư nhân tăng trưởng trong năm 2015.

Nợ công sẽ giảm dần

Nhân sự kiện lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 lần này, Vietnam Report đồng thời cũng công bố danh sách Top 50 DN xuất sắc năm 2014 – Top 50 Vietnam The Best 2014. Các DN có tên trong danh sách này là những đại diện tiêu biểu nhất của cộng đồng DN Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình thông qua các chỉ tiêu: quy mô, lợi nhuận, có đóng góp nhiều nhất vào NSNN và có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong giai đoạn 2010-2013. Đồng thời, Vietnam Report cũng chính thức giới thiệu Sách trắng song ngữ Báo cáo thường niên: Kinh tế Việt Nam 2014 và Cơ hội đầu tư 2015. Đây là sản phẩm nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện bởi Vietnam Report và đối tác chính là Công ty Tư vấn Corr Analytics, Hoa Kỳ.

Sách trắng giới thiệu và phân tích một số thương vụ cổ phần hóa/ kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài điển hình có giá trị từ 7 triệu USD đến 4,3 tỷ USD trong năm 2014. Thêm vào đó, sách trắng đưa ra dự báo lạm phát Việt Nam trong năm 2015 sẽ duy trì ở mức 4,5% và xuất khẩu dự kiến sẽ chạm mốc 150 tỷ USD. Các phân tích cũng dự báo nợ công sẽ giảm dần do tiến trình cổ phần hóa được đẩy mạnh và các khoản nợ xấu sẽ giảm xuống khoảng 3% trong năm 2015.

Ngoài ra, để làm tăng cơ hội đầu trong năm 2015, Chính phủ nên tiếp tục duy trì các nỗ lực của mình nhằm thúc đẩy các chỉ số kinh tế vĩ mô thông qua việc duy trì mức lạm phát thấp như trong năm 2014 và để làm được điều này, chính phủ có thể giao nhiệm vụ rõ ràng hơn cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm cải thiện sự ổn định giá cả.

Sách trắng dự báo tính minh bạch sẽ tiếp tục được gia tăng đặc biệt ở cấp địa phương, sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Loại bỏ các quy định không cần thiết cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các hạn chế quyền sở hữu nước ngoài và bất kỳ sự mơ hồ còn tồn tại nào về chính sách của Chính phủ đối với việc thi hành phán quyết của trọng tài sẽ giúp ích cho cả nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam.

 

Theo Hà Nội mới


.