Thoát nghèo nhờ... "đồ thừa"

07:01, 07/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, nhờ tận dụng lượng thức ăn dư thừa từ các hộ gia đình, hàng quán vào việc phát triển chăn nuôi heo, nhiều hộ nông dân ở TP. Quảng Ngãi và các huyện lân cận đã thoát được cảnh nghèo khó, trong đó có nhiều hộ vươn lên kinh tế khá giả.

“Đội quân” đặt thùng

Trên các tuyến phố của TP. Quảng Ngãi vào các khung giờ 12 giờ trưa hay 18 giờ tối, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều người đàn ông, phụ nữ chở theo phía sau xe máy vài ba chiếc thùng được tận dụng từ những thùng sơn đã qua sử dụng. Họ là những người chuyên đi thu gom thức ăn thừa từ nhà dân, hàng quán về chế biến thành thức ăn để nuôi heo.

 

  Công việc thường ngày của  ông Võ Bê ở tổ 8, phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi.
Công việc thường ngày của ông Võ Bê ở tổ 8, phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi.

Đang loay hoay xách một thùng đầy thức ăn thừa từ một ngôi nhà trên đường Nguyễn Nghiêm, anh Lê Xuân Đức (46 tuổi) ở đội 2, thôn Điền Hoà, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) cho biết, một ngày hai lần anh cưỡi xe máy đi thu gom thức ăn thừa về nuôi hơn 50 con heo. Số thức ăn này sau khi đem về anh chỉ cần nấu sôi lên, sau đó bổ sung thêm một ít cám bắp hay cám mì là có thể cho heo ăn được. “Công việc hơi vất vả, nhưng được cái tiết kiệm tối đa chi phí thức ăn cho heo, nên 5 năm nay lứa heo nào tôi cũng lãi khá. Thức ăn thừa thì dân họ cho không chứ không lấy tiền, xem như bỏ công làm lời”, anh Đức tươi cười, kể.

Cũng giống như anh Đức, chị Phạm Thị Lựu (45 tuổi), ở thôn Điền Hoà, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa), hằng ngày cũng đi thu gom thức ăn thừa về nuôi heo. Chị Lựu cho biết, lúc trước chị chỉ nuôi hai con heo, vì giá thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao nên hầu như không có lãi. Nhưng kể từ ngày “tiếp cận” được nguồn “nước cơm, thức ăn” miễn phí của một nhà hàng trên đường Phan Bội Châu, chị đã mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại và mua thêm heo giống thả nuôi. Đến nay, trong chuồng nhà chị luôn có trên 40 con heo, cứ hơn một tháng xuất chuồng 10 con, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng.
 
“Phất” lên từ thứ bỏ đi

Nhìn vào cơ ngơi khang trang với ngôi nhà hai tầng hoành tráng trị giá hơn 800 triệu đồng vừa mới hoàn thành của gia đình ông Võ Bê (61 tuổi), ở tổ 8, phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi), ít ai biết rằng trước đây trên chính mảnh đất này, gia đình ông là một trong những hộ “khó” nhất ở khu phố. Ngồi trong căn nhà còn phảng phất mùi sơn, ông Bê ngược thời gian 15 năm về trước. Lúc đó, gia đình ông luôn phải sống trong cảnh “ruộng ít con đông”. Hai vợ chồng làm lụng suốt ngày nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Trong một lần đến nhà một người bạn chơi, thấy bạn xách thùng nước cơm đi đổ mà phải đưa tay lên bịt mũi vì mùi hôi nồng nặc do để nhiều ngày, ông Bê mới nảy  ra ý tưởng tận dụng nguồn thức ăn dồi dào và miễn phí này để nuôi heo.

Nghĩ là làm ông Bê bắt đầu “khởi nghiệp” vào năm 2000, với chỉ 5 con heo giống. Sau nhiều lứa heo “thắng lớn” nhờ bán được giá cao trong khi chi phí đầu tư thấp nên ông đã mở rộng đầu tư chuồng để chăn nuôi. Đến nay trong 4 ô chuồng của nhà ông có gần 40 con, hai tháng xuất một lứa, mỗi lứa xuất 10 con, trọng lượng mỗi con gần 100kg. “Nếu như cho ăn cám viên, mỗi ngày đàn heo nhà tôi phải ăn hết gần một triệu đồng tiền cám. Nhưng nhờ tận dụng lượng thức ăn này mà mỗi ngày tôi chỉ cho heo ăn thêm khoảng 3kg cám, hết hơn 75 nghìn đồng. Nhờ nuôi heo mà tôi đã có tiền lo cho 3 đứa con ăn học đàng hoàng, lo cho cuộc sống gia đình và xây được ngôi nhà mới, thứ mà trước đây có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới”, ông Bê tâm sự.

Ông Đặng Văn Tuyến - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Điền cho biết, do giáp ranh với TP. Quảng Ngãi, nên những năm qua trên toàn xã có khoảng hơn 40 hộ hằng ngày đi thu gom thức ăn thừa, thứ được xem là đồ bỏ đi dưới thành phố về nuôi heo. Đa phần những hộ này đều phát triển kinh tế hộ gia đình rất tốt. “Trong chăn nuôi, thức ăn luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu giá. Nhờ tận dụng được lượng thức ăn này nên nhiều hộ trong xã không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên có của ăn của để”, ông Tuyến nói.

Bài, ảnh : LÊ DANH
 

.