Nghề chế tác sừng đang mai một

08:01, 13/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từng là nghề truyền thống cha ông để lại, cả xóm có bao nhiêu nóc nhà thì bấy nhiêu hộ làm nghề chế tác sừng. Thế nhưng, theo thời gian, nghề này mai một dần trong khi “cầu” vẫn còn nhưng người dân lại... bí nguồn nguyên liệu.

Nghề làm lược chải tóc và những sản phẩm khác như quân cờ tướng, trâm cài tóc, hàng lưu niệm, vòng đeo tay... bằng sừng trâu, hay còn gọi là nghề chế tác sừng, là nghề thủ công mỹ nghệ có từ rất lâu đời ở các thôn Bình Thọ, xã Tịnh Sơn; Lâm Lộc Bắc, xã Tịnh Hà; Bình Đông, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh).

Xóm Lược, vang bóng một thời

Theo các cụ già ở địa phương kể lại, tại thôn Bình Thọ có một xóm nhỏ mà trước đây mọi người đều làm nghề lược. Cái tên “xóm Lược” gắn bó với người dân nơi đây từ bao đời nay. Vậy mà, hiện nay ở xóm Lược chỉ còn vài hộ làm nghề chế tác sừng.

Để hoàn thành những chiếc lược bằng sừng trâu, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ, kỹ lưỡng.
Để hoàn thành những chiếc lược bằng sừng trâu, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ, kỹ lưỡng.


Ông Võ Phi Sơn (59 tuổi) xóm trưởng xóm Lược cho biết, ông từng là thợ lành nghề ở địa phương. Nối nghiệp cha ông, vào những năm 1975, ông đã làm nghề chế tác sừng. Ông Sơn cho hay để làm ra được những sản phẩm bằng sừng trâu phải qua nhiều giai đoạn tỉ mỉ, kỳ công. Trong đó sừng trâu được dùng làm nhiều nhất là những chiếc lược nhỏ và lược dày mà các chị, các mẹ dùng “chải chấy” mà các năm trước khắp vùng quê rất thịnh hành.

Để hoàn thành lược “chải chấy”, thợ chế tác sừng phải dùng cưa tay tỉ mỉ tạo từng răng lược để những con chấy nhỏ nhất cũng chải xuống được. Trong khi những công đoạn như hơ lửa, ép sừng, xả đẽo sừng trâu ra thành miếng có thể dùng máy, thì công đoạn tạo răng cưa cho lược không có máy móc nào làm thay được. Thợ lành nghề như ông Sơn lúc nhiều nhất có thể làm đến 30 sản phẩm trong một ngày gồm cả công đoạn đầu tiên là hơ lửa để ép sừng cho đến khi hoàn thành.

“Cái nghề này từ thời cha ông để lạị, trời nắng hay trời mưa gì cũng làm được. Bà con vừa làm nghề nông vừa tranh thủ thời gian để làm lược, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thế nhưng giờ muốn làm nhưng không có sừng trâu nữa”, ông Võ Văn Hồng (61 tuổi) ở xóm Lược, thôn Bình Thọ ngậm ngùi cho hay.

Cái khó khiến người dân không còn gắn bó với nghề nữa đó chính là nguyên liệu sừng trâu ngày càng khan hiếm. Thường thì ở địa phương có một “ông chủ sừng” chuyên đi gom sừng trâu khắp nơi như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, kể cả qua tận Lào, Campuchia thu mua mang về bán lại cho bà con. Bà con mua sừng về làm ra thành phẩm, bán hàng lại cho “ông chủ sừng”, hoặc mang bán lẻ tại các chợ.

Hàng bán ra rất chạy, nhưng nguồn sừng trâu ngày càng cạn kiệt, các “ông chủ sừng” dần bỏ nghề dẫn đến bà con cũng không có nguyên liệu để làm. Ngoài lý do “cung” không có, thì nguyên nhân khiến nghề chế tác sừng ở đây ngày càng mai một do hàng thủ công không cạnh tranh lại với hàng mỹ nghệ dùng công nghệ cao. Lớp trẻ cũng không còn mặn mà với nghề cha ông nữa mà chủ yếu đi làm ăn, buôn bán.

Nuối tiếc giữ nghề

Ông Vương Tấn Lục ở thôn Lâm Lộc Bắc, xã Tịnh Hà cho biết, sừng trâu ngày càng hiếm do Trung Quốc thu mua hết nguyên liệu. Sừng trâu vừa đắt vừa hiếm, bây giờ cả địa phương chỉ còn ông Lục và vài hộ dân nữa vẫn còn giữ nghề. Ông Lục cho hay, sừng trâu được chia làm ba nhóm. Trong đó nhóm 1 là sừng lớn xả ra làm được nhiều thứ như lược, trâm cài tóc, con cờ. Còn chóp sừng và các loại sừng nhỏ thì đóng gói để gửi bán ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh làm hàng lưu niệm.

Tỉ mỉ ngồi tạo từng đường răng cưa cho chiếc lược tại sân nhà ông Lục, bà Nguyễn Thị Lan ở xã Tịnh Bình cho hay, tranh thủ những lúc nông nhàn, hai vợ chồng bà làm lược thuê cho ông Lục. Vào những năm trước kia, vợ chồng bà còn theo nghề làm lược này, nhưng đứt đoạn giữa chừng, mới quay trở lại làm nghề được 5 tháng trước.

“Trước kia, sản phẩm làm bằng sừng trâu được bỏ sĩ ở các chợ đầu mối khắp nơi trên cả nước, trong đó tiêu thụ mạnh nhất là ở Tây Nguyên và miền Tây chuyển qua các tỉnh thuộc Campuchia. Người dân Campuchia ngoài mua lược này về sử dụng thì còn dùng vào các buổi lễ cúng. Theo phong tục địa phương ở Campuchia thì sau khi cúng xong, lược làm bằng sừng trâu được đốt theo các loại giấy vàng mã. Đến nay, đầu ra sản phẩm làm từ sừng trâu của bà con vẫn còn dồi dào, thế nhưng thị trường dần nhỏ lại do không đủ để cung cấp hàng”, ông Lục kể lại câu chuyện làm ăn của mình.

“Cái nghề chế tác sừng này giúp ích cho đời sống bà con nhiều lắm. Sừng trâu mua về sau khi làm ra thành phẩm, còn bã sừng tận dụng làm phân bón cho các loại cây trồng. Ngày trước, nhà nào cũng vang vang tiếng dùi, tiếng đục làm sừng. Thế mà bây giờ, dụng cụ làm nghề vẫn còn đó nhưng xóm Lược này còn mấy ai chế tác sừng nữa đâu”, ông Võ Phi Sơn tiếc nuối...

Ông Nguyễn Ngọc Khanh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Sơn chia sẻ, nghề chế tác sừng không chỉ là nghề truyền thống, mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa trong đời sống người dân. Nếu như nhận được sự hỗ trợ từ các cấp thì chắc chắn làng nghề sẽ phát triển. Bởi hiện nay vẫn còn nhiều thợ lành nghề muốn lưu giữ lại nghề chế tác sừng.

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.