Nghề "ăn theo" Tết vào mùa

10:01, 28/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mới đầu tháng Chạp, nhưng các dịch vụ sửa cây cảnh, đánh bóng lư đồng... đã rộn ràng vào mùa. Được mệnh danh là nghề làm một tháng, nhưng “đủ ăn” quanh  năm. Những nghề “phụ” này đã giúp nhiều người có được một cái Tết đủ đầy.

TIN LIÊN QUAN

Kiếm tiền triệu nhờ nghề “mọn”

Mới đầu tháng Chạp, dọc các tuyến đường, góc chợ trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, các tay thợ đánh bóng lư đồng đã bắt đầu chọn những vị trí thuận lợi để hành nghề. Cười tươi rói trên gương mặt sạm đen vì xỉ đồng, thợ đánh bóng lư đồng Nguyễn Duy trên đường Lê Trung Đình (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Tháng này là tháng làm ăn của cánh thợ chúng tôi. Nên ai nấy đều lo túc trực đánh bóng lư đồng để kịp giao cho khách. Lư đồng lớn thì 200 nghìn đồng, nhỏ khoảng 150 nghìn. Ngày trung bình cỡ 4-5 bộ. Ngày nào “trúng mánh” làm được cỡ 10 bộ thì coi như bỏ túi tiền triệu”.

Nghề làm mứt dịp giáp Tết mang về cho các chị em phụ nữ nguồn thu nhập từ 4-5 triệu đồng.
Nghề làm mứt dịp giáp Tết mang về cho các chị em phụ nữ nguồn thu nhập từ 4-5 triệu đồng.


Phần lớn những người thợ làm nghề đánh bóng lư đồng đều là thợ sửa xe đạp, xe máy, thợ gò hàn. Tranh thủ dịp giáp Tết, họ chuyển sang đánh bóng lư đồng để kiếm thêm thu nhập. Thu nhập của người làm nghề đánh bóng lư đồng có thể lên đến cả triệu đồng trong một ngày. Dụng cụ hành nghề thì đơn giản, chỉ cần mô tơ điện, thanh lơ, tấm vải, xà phòng... nên các điểm đánh bóng lư đồng xuất hiện ngày càng nhiều.

Không chỉ nghề đánh bóng lư đồng “ăn nên làm ra” dịp giáp Tết, mà đây còn là mùa “vàng” của dịch vụ sửa chậu hoa, cây cảnh khi Tết sắp về. Ông Nguyễn Năm, thợ sửa cây cảnh nổi tiếng của làng cây cảnh Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cho biết: “Trước Tết tầm 2 tháng thì lo sửa, vặt lá cho hoa mai. Còn tháng Chạp thì đi sửa lộc vừng, bồ đề, sanh… Từ giờ đến ngày 20 tháng Chạp là tôi kín lịch, không rảnh ngày nào”. Là “bậc thầy” trong tỉa, sửa, tạo dáng cho các loại hoa, cây kiểng nên giá cả để thuê ông Năm cũng cao hơn hẳn so với những cánh thợ trẻ. Với tiền công cho mỗi ngày từ 350-400 nghìn đồng, ông Năm bỏ túi ngót nghét cả chục triệu đồng chỉ sau mấy mươi ngày giáp Tết.

“Cố nén tiếng thở dài”

Nghề tay trái mang đến thu nhập không nhỏ, nhưng đồng tiền kiếm được cũng chẳng mấy dễ dàng. Quần áo dính đầy xỉ đồng. Tóc, mắt…cũng bị bụi đồng bám chặt. Khẽ mở lớp khẩu trang mỏng giờ cũng đã chuyển sang màu đen ngòm vì xỉ đồng để trò chuyện cùng chúng tôi, anh Trần Lịch, ngụ xã Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi tâm sự: “Ráng làm để kiếm tiền cho vợ con mua sắm Tết. Chứ cái nghề này độc hại lắm. Nhiều lúc bụi kim loại bám vào mắt, vào mũi khiến mắt cay xè, thở cũng chẳng nổi”. Bận rộn suốt ngày bên mô-tơ điện để mài lư, bàn tay thô ráp khi tiếp xúc với bột tẩy, nhưng những người thợ đánh bóng lư đồng vẫn cần mẫn lao động với hy vọng kiếm thêm thu nhập cho một cái Tết đủ đầy.

Còn bà Nguyễn Thị Tâm ngụ ở xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi, người đã có “thâm niên” xắt gừng cho các xưởng làm mứt cả chục năm thì bộc bạch: “Cuối tháng mười một đến khoảng giữa tháng Chạp năm nào tôi cũng đi xắt gừng thuê mới có tiền sắm Tết. Gừng vừa nóng, lại vừa nồng, nên dù đã cẩn thận trang bị bao tay bằng cao su, nhưng ngày nào hai bàn tay tôi cũng bị nóng ran, rát lắm”.

Năm nay bà Tâm bước sang tuổi 68. Cái tuổi đáng lẽ đã được an nhàn hưởng thụ. Nhưng do con cái ai nấy đều khó khăn, nên bà phải lặng lẽ đi làm từ tờ mờ sáng.  Tiền công cạo gừng là 2.000 đồng/kg, còn xắt gừng thì chỉ 1.700 đồng. Cả ngày trời làm việc cật lực ở xưởng mứt, cũng chỉ mang lại cho bà Tâm khoảng 150 nghìn đồng. Số tiền này, bà xin chủ xưởng mứt Đồng Tâm đến cận Tết mới nhận một lần. Vì lo sợ nhận về, trăm thứ phải lo, bà sẽ chẳng để dành được cho Tết. Một ít sắm Tết, một ít mua thêm thuốc bổ cho mẹ già 90 tuổi đang nằm một chỗ, một ít để dành lì xì cho cháu nội, cháu ngoại, bà Tâm cố nén tiếng xuýt xoa khi đôi bàn tay đang đỏ ửng vì dính nước gừng, rồi nhẩm tính trong hạnh phúc…
 

Bài, ảnh: Ý Thu


 


.