Hiệu quả kinh tế ở một số cụm công nghiệp

10:01, 24/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương theo hướng tích cực, tạo công ăn việc làm tại chỗ, phân bố được lực lượng sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để các CCN trong tỉnh hoạt động ổn định, bền vững và phát huy hết hiệu quả cần có sự đầu tư đúng mức về hạ tầng kỹ thuật và một trong những khâu quan trọng là giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

TIN LIÊN QUAN

Khởi sắc từ một số CCN

CCN La Hà (Tư Nghĩa) là một điểm sáng trong những CCN – Tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh. CCN này hoạt động hiệu quả, mang tính tập trung cao. Hiện nay CCN La Hà có 9 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định. Doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trong CCN La Hà năm 2014 ước đạt 200 tỷ đồng, tăng gần 44% và nộp ngân sách đạt 3,5 tỷ đồng, tăng 400% so với năm 2013. Hiện CCN La Hà đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, tăng 7% so với năm 2013.

Hoạt động sản xuất kinh doanh tại CCN La Hà (Tư Nghĩa).
Hoạt động sản xuất kinh doanh tại CCN La Hà (Tư Nghĩa).


Được sự quan tâm của UBND tỉnh, UBND huyện Tư Nghĩa đã đầu tư hơn 19 tỷ đồng và tập trung chỉ đạo thi công hoàn thành các hạng mục công trình trong CCN. Trong đó, đền bù, giải phóng mặt bằng, san nền gần 20ha, xây dựng 5 tuyến đường giao thông với chiều dài hơn 2,1km, hệ thống thoát nước  dài 1,7km, hệ thống cấp nước từ Quốc lộ 1 đến CCN La Hà dài 227m. Ngoài ra, Điện lực Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng 6 trạm biến áp tại CCN với công suất 2.420 KVA.

Có được những kết quả khả quan trên là ngay từ đầu huyện Tư Nghĩa đã có những chính sách hợp lý. Để không xảy ra những rủi ro khi các doanh nghiệp đầu tư vào CCN, huyện Tư Nghĩa chủ trương chỉ thu hút các ngành công nghiệp sạch, ít gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù chưa được hoàn thiện như CCN La Hà, song các CCN Quán Lát, Thạch Trụ (Mộ Đức), Bình Nguyên (Bình Sơn), Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi)… đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách cho địa phương.

 Ông Đoàn Hà Yên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi thêm nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sạch, tạo điều kiện để CCN Bình Nguyên tiếp tục phát triển, tăng thêm việc làm, cải thiện đời sống người lao động tại địa phương. Đối với những doanh nghiệp không đảm bảo về môi trường, huyện sẽ tiến hành thu hồi giấy phép kinh doanh theo lộ trình và quy định của Chính phủ.

Cần nguồn lực đầu tư phù hợp

Theo báo cáo của Sở Công thương, đến nay trên địa bàn tỉnh có 11/17 cụm, điểm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết và đi vào hoạt động. Hàng trăm dự án đã đăng ký đầu tư vào 11 cụm, điểm công nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.494 tỷ đồng. Tuy nhiên thực tế chỉ có 74 doanh nghiệp đang hoạt động và đang triển khai đầu tư, giải quyết việc làm cho khoảng 3.653 lao động; nộp ngân sách năm 2014 trên 31 tỷ đồng. Diện tích đất đã giao cho doanh nghiệp gần 80ha, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp bình quân đạt 77%.

Cụm CCN La Hà đã  lấp đầy.
Cụm CCN La Hà đã lấp đầy.


Những năm gần đây, Quảng Ngãi đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư tại CCN. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách còn hạn chế nên mức hỗ trợ còn thấp so với yêu cầu. Điều này đã khiến các CCN không chỉ khó thu hút đầu tư, mà thời gian xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các CCN thường bị kéo dài nhiều năm nên vẫn chưa lấp đầy.

Hiệu quả kinh tế và xã hội mà các CCN mang lại là không nhỏ. Nhưng làm thế nào để việc phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo vệ môi trường là một vấn đề còn nan giải. Bởi hiện nay, tại các CCN trong tỉnh vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực quanh các CCN. Hy vọng trong thời gian tới tỉnh và các huyện sẽ đầu tư đúng mức để các CCN  phát triển ổn định toàn diện.

 

Bài, ảnh: HỒNG HOA  
 

 


.