Dân khổ vì... bèo lục bình

08:01, 21/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lục bình trôi nổi, dập dềnh theo con nước tưởng như vô hại. Thậm chí nó đã đi vào văn thơ với hình ảnh sắc hoa tím biếc. Thế nhưng, với nhiều người nông dân, bèo lục bình gây ra những tác hại, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp.


Tại đoạn sông Võ Hồi thuộc thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), bèo lục bình phủ kín cả một đoạn sông. Với khả năng sinh sản nhanh, bèo lục bình đã xâm lấn dòng chảy trên đoạn sông này, cản trở việc đi lại bằng đường thủy của người dân. Không chỉ làm ảnh hưởng đến dòng chảy, lục bình còn là nơi trú ẩn của những sinh vật có hại...

 

Bèo lục bình phủ kín cả đoạn sông Võ Hồi gây ra nhiều tác hại với đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân
Bèo lục bình phủ kín cả đoạn sông Võ Hồi gây ra nhiều tác hại với đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân

Tại khu vực này, phương tiện duy nhất của người dân ở đây để đến khu đất sản xuất có diện tích 30ha phía bên kia sông là chiếc cầu bằng tre tạm bợ. Trong khi đó, nhiều hộ dân có ghe làm phương tiện vận chuyển hàng hóa không thể neo ngoài sông, mà phải để trong sân nhà vì… bèo lục bình.

Ông Trần Sáu, một người dân địa phương cho biết: “Bèo lục bình xuất hiện lâu rồi. Bà con vớt hoài nhưng chỉ từ một đám bèo nhỏ là chúng nhanh chóng sinh sôi tạo thành mảng lớn khiến nước sông bẩn đi, bốc mùi hôi thối. Nông dân có ghe nhưng không sử dụng được. Trâu bò lỡ uống nước sông đoạn có bèo nhiều thì bị ngứa ngáy. Tụi tui lỡ đụng tay chân vào nước sông là thế nào cũng bị nổi mẩn đỏ”.

Bèo lục bình có nơi còn gọi là bèo tây, bèo Nhật Bản,  là loại sinh vật ngoại lai được du nhập vào nước ta từ hàng chục năm trước. Lục bình có tác hại như ốc bươu vàng, làm ảnh hưởng đến nông nghiệp nhưng chưa thể nào tiêu diệt được. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia trong “cái khó ló cái hay”, bèo lục bình có thể được tận dụng như thân bèo sau khi phơi khô đan thành giỏ xách, ghế, hàng lưu niệm... Ngoài ra lục bình còn được sử dụng làm giá thể trồng nấm rơm cho chất lượng nấm như dùng rơm truyền thống; làm nguyên liệu sản xuất khí sinh học và phân hữu cơ...
Trận lũ lịch sử năm 2013 đã cuốn trôi đi rất nhiều bèo lục bình. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau bèo đã nhanh chóng phủ kín hết cả khúc sông Võ Hồi.

Cùng với sự phát triển với tốc độ đến chóng mặt của bèo lục bình, chuột và các loại sinh vật có hại khác trú ẩn trong các mảng bèo cũng vì thế phát triển theo. Trong khi đó sự phủ kín của bèo đã khiến cho các loại cá dưới sông dần mất đi môi trường sống.  

Ông Trần Phú Xuân-Chủ nhiệm Hợp tác xã Đông Hòa cho hay, trước kia lượng cá tự nhiên ở đây rất nhiều. Sau này HTX có kế hoạch thả cá để nuôi trên sông, nhưng không thể thực hiện được vì bèo lục bình xâm lấn làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên.  Ngoài ra với số lượng bèo lục bình quá lớn hút nước, làm giảm lượng nước sông, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho cánh đồng, nhất là vào mùa hè.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Huỳnh Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết, mặc dù địa phương đã nhiều lần huy động nhân dân ra quân vớt bèo nhưng bèo phát triển quá nhanh, nên việc xử lý bằng thủ công chỉ giải quyết được trước mắt. Còn phương pháp xử lý bằng thuốc diệt cỏ tuy có hiệu quả, nhưng sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước và các sinh vật có lợi khác. Trong khi đoạn sông này vừa là “bồn chứa nước” phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa là lối vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy của người dân.  

Chúng tôi rất mong các cấp,  ngành, các chuyên gia, nhà khoa học cùng vào cuộc giúp người nông dân tìm ra cách ngăn chặn loại bèo này.
 

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 

.