Công ty CP Đường Quảng Ngãi: Vững vàng trước thử thách

10:01, 06/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Doanh thu năm 2014 ước đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng hơn năm trước 15%, nộp ngân sách 707 tỷ đồng, tăng 106%, bảo đảm việc làm ổn định cho gần 5.500 lao động và đảm bảo lợi tức cho cổ đông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông đề ra. Điều gì đã làm cho Công ty CP Đường Quảng Ngãi đứng vững trong khi cộng đồng doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chưa có sự tăng trưởng bền vững?

TIN LIÊN QUAN

Theo Tổng Giám đốc Công ty Võ Thành Đàng, đầu tiên phải nắm chắc các chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước để vận dụng một cách linh hoạt. Đặc điểm của Công ty là kế thừa từ doanh nghiệp nhà nước, có những ưu điểm nhưng sức ỳ không phải là nhỏ, nhất là tư duy ỷ lại, thụ động, luôn mang tư tưởng “xin cho”. Phải tự tái cơ cấu, sắp xếp lại đội hình, tiếp tục tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực chẳng những cấp cao mà cả công nhân trực tiếp sản xuất.

Lắp đặt thiết bị tại Nhà máy Đường An Khê (Công ty CP Đường Quảng Ngãi).                                                                                        Ảnh: PV
Lắp đặt thiết bị tại Nhà máy Đường An Khê (Công ty CP Đường Quảng Ngãi). Ảnh: PV


Cùng với đó là có chế độ đãi ngộ xứng đáng theo công việc, ai làm tốt  thì được trả công cao và ngược lại. Không có gì  ngạc nhiên khi thu nhập khoảng cách có thể đến 15 - 20 lần. Nếu không làm vậy thì người giỏi họ đi hết, rồi ôm máy móc thiết bị chết chùm hay sao! Vả lại, áp lực của cổ đông rất lớn. Nói cho cùng là tiền vốn của họ đóng góp vào, nếu anh làm không đạt theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông  đưa ra thì mời anh nhường chỗ cho người khác. Với nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, hàng hóa được giao thương với các nước cùng một mặt bằng giá trị. Nếu không nhanh chóng đổi mới công nghệ để tiết kiệm chi phí thì giá thành sản phẩm đội cao, chất lượng thấp, năng suất lao động giảm chắc chắn sẽ tụt hậu.

 Ví như, Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam VinaSoy doanh thu năm 2014 ước đạt 3.300 tỷ đồng, chiếm 85% thị phần toàn quốc về sữa đậu nành hộp giấy và con số đó không phải ngẫu nhiên mà đạt được. Đã có 12 năm miệt mài tìm tòi sáng tạo từ lúc sữa tiệt trùng chấm dứt và chuyển qua làm sữa đậu nành theo chương trình sữa học đường do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đặt hàng. Ngành mía đường Việt Nam nhiều năm qua tiếp tục khó khăn một phần bởi hàng nhập lậu và phần khác do thiết bị, công nghệ sản xuất đường trong nước quá lạc hậu (kể cả phần nông nghiệp) nên giá thành một kilogam đường rất cao.

Nhận định điều đó, nên từ nhiều năm trước Công ty đã vạch ra hướng đi và thực hiện vững chắc. Đó là tập trung đầu tư cho cả công nghiệp và nông nghiệp với phương châm “sản xuất đường từ đồng ruộng”. Ngoài đầu tư 1.000 tỷ đồng để mở rộng Nhà máy Đường An Khê lên 12.000 tấn mía/ngày bằng thiết bị và công nghệ mới, Công ty đã đầu tư 300 máy cày đất cùng thiết bị phụ trợ có công suất lớn với giá trị hàng trăm tỷ đồng được mua từ các nước tiên tiến phục vụ cho đồng mía. Theo đó, có gần 200 lao động được đào tạo chuyên nghiệp để làm việc này. Từ khâu cày đất đến trồng, bón phân, chăm sóc, thu hoạch đều bằng cơ giới Nhờ vậy vùng mía An Khê có nhiều cánh đồng mẫu lớn từ 100 – 300ha, năng suất mía bình quân đạt 120 tấn/ha. Vì thế, ngạc nhiên khi ngành mía đường đang khủng khoảng, gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng, hoặc nghỉ sản xuất, một số nơi phá mía hàng loạt (ở Quảng Ngãi khoảng 700ha) thì ở vùng mía An Khê vẫn phát triển trồng mới gần 3.000ha…

 Mùa xuân mới lại về, Công ty chuẩn bị kỷ niệm 10 năm Cổ phần hóa. Từ bước đi chập chững sau cổ phần hóa, đến vững vàng và vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát triển mạnh mẽ như hôm nay, với bản lĩnh và kinh nghiệm đã trải qua, chắc chắn Công ty sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả hơn nữa, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.


MINH ĐIỀN


 


.