Cần xây dựng thương hiệu cho làng nhang Nghĩa Hòa

09:01, 17/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề làm nhang ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa)  là một trong những nghề truyền thống lâu đời, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm gia đình. Tuy nhiên, làng nghề vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Sản phẩm chưa có thương hiệu nên giá cả bấp bênh, chưa tương xứng với ngày công lao động của người dân.

Về Nghĩa Hòa những ngày này, trên con đường vào làng, đâu đâu cũng bắt gặp sắc màu rực rỡ của hàng ngàn bó nhang đang được người dân hối hả mang phơi. Mùi thơm của nhang lan toả khắp nơi. Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất nhang của bà Ngô Thị Loan (58 tuổi, ở thôn Hòa Bình)- người có trên 20 năm gắn bó với nghề làm nhang. Bà Loan tất bật với công việc để thực hiện theo đơn đặt hàng từ khắp các nơi trong tỉnh. “Nhang được se từng cây nên không thể nhanh tay được. Để đủ hàng cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán, tôi tranh thủ làm thêm ban đêm để có thêm thu nhập trang trải ngày Tết”, bà Loan chia sẻ.

 

Nghề làm nhang giúp nhiều gia đình ở Nghĩa Hòa ổn định cuộc sống.
Nghề làm nhang giúp nhiều gia đình ở Nghĩa Hòa ổn định cuộc sống.


 Vì đây là nghề cha truyền con nối từ bao đời nay, nên không chỉ có bà Loan mà hàng trăm gia đình ở xã Nghĩa Hòa luôn nỗ lực để giữ nghề. Nghề này, nếu thời tiết thuận lợi thì có thể làm quanh năm. Trước kia, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên hầu hết các công đoạn làm nhang đều phải tiến hành bằng phương pháp thủ công thô sơ.

Hiện nay, nhiều hộ dân đã cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Kỹ thuật làm nhang ngày một hiện đại. Trước đây, làm nhang nhúng, nhang xe chủ yếu là làm thủ công, tốn nhiều thời gian, công sức. Bây giờ nhang được làm bằng máy đạp, chạy mô tơ vừa đạt năng suất cao, lại cần ít lao động. Các nguyên liệu mua về, trộn tất cả lại với nhau rồi cho vào máy là ra sản phẩm nhang. Nếu như trước đây, 3 thợ nhúng trong một ngày cũng chỉ được 2 thớt nhang (mỗi thớt 10.000 cây nhang), thu khoảng 60-70 ngàn đồng/người/ngày công. Hiện nay, chỉ cần 1-2 người dùng máy mô tơ, một ngày có thể làm được 4-5 thớt nhang, thu 100-150 ngàn đồng/người/ngày công.

Hiện nay, trên địa bàn xã Nghĩa Hòa có trên 500 hộ làm nghề nhang. Khi nghề dệt chiếu cói truyền thống đang mất dần thị trường thì ngược lại, nghề làm nhang được người dân nơi đây phát triển với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, dù nghề làm nhang có từ lâu đời nhưng xã Nghĩa Hòa vẫn chưa được công nhận là làng nghề truyền thống. Việc tìm kiếm nơi tiêu thụ nhang gặp rất nhiều khó khăn. Người dân vẫn phải chở từng thớt nhang đi khắp nơi để bán, gần thì các huyện trong tỉnh, xa thì đi đến các tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh…

Chị Trần Thị Thanh Thúy-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Hòa cho biết: Nghề làm nhang đã mang lại thu nhập đáng kể cho chị em phụ nữ địa phương, giải quyết công lao động nhàn rỗi, hạn chế đi làm ăn xa. Do chưa có thương hiệu nên bà con tự mua các loại nhãn như: Lưu Kim Thành, Ba Thái Đào Trầm Hương, Thiên Ấn, Núi Ấn, Thịnh An… về đóng bao. Cũng chính vì vậy giá cả còn khá thấp, chưa đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu lớn nên chưa tương xứng với ngày công lao động của bà con.

Ông Võ Thành Vân (56 tuổi, ở thôn Thu Xà) cho biết, mỗi ngày gia đình ông làm khoảng 20.000 cây nhang, trừ chi phí nguyên vật liệu, ông thu về khoảng 100 nghìn đồng. “Nghề này không nặng nhưng khá nhọc nhằn, phải thường xuyên phơi nắng. Chỉ mong sao địa phương có phương án hỗ trợ, phát triển làng nghề và kêu gọi nhà đầu tư để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để chúng tôi an tâm giữ nghề”, ông Vân bày tỏ.

Ông Huỳnh Văn Dũng-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho hay, so với trước kia, nghề nhang của Nghĩa Hòa ngày càng phát triển, giúp người dân ổn định thu nhập, tạo điều kiện cho con cái học hành. Cùng với các nghề truyền thống khác, nghề làm nhang đã góp phần giúp địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2014 còn 3,4%. Nhưng điều trăn trở hiện nay là sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có thương hiệu để đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

 Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.