Cải thiện chất lượng tín dụng

09:01, 05/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2014, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại lẫn ngân hàng chính sách ở Quảng Ngãi đã cải thiện đáng kể. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ vay vốn làm ăn ngày càng có hiệu quả và ngân hàng cũng bớt đi các khoản nợ quá hạn kéo dài.

TIN LIÊN QUAN

Phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị

Ông Trần Duy Cường – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) -  Chi nhánh Quảng Ngãi, cho biết: Đến cuối tháng 12, đơn vị đã cho vay dư nợ khoảng 2.285 tỷ đồng, tăng trưởng 6,8%, đạt gần 100% kế hoạch giao. Nợ quá hạn chỉ còn 0,46%, chất lượng tín dụng thuộc nhóm I, thấp hơn chỉ tiêu chung của hệ thống.  

Những tháng cuối năm, các ngân hàng nhộn nhịp đón khách hàng.
Những tháng cuối năm, các ngân hàng nhộn nhịp đón khách hàng.


Kết quả trên là một sự nỗ lực lớn, bởi năm 2013, dư nợ cho vay của Ngân hàng CSXH ở 12 chương trình chính sách cũng khá lớn và nợ quá hạn lại cao, tập trung ở một số huyện đồng bằng và TP. Quảng Ngãi.  Ngân hàng CSXH  đã phối hợp với chính quyền các địa phương, hội đoàn thể tiến hành đánh giá lại kết quả cho vay, đồng thời  xác định, trong 14 chương trình được hưởng nguồn vốn chính sách trong năm 2014 thì chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và vệ sinh nước sạch nông thôn đang “khát” vốn khá lớn nên tập trung nguồn vốn. Nhưng để vốn vay sinh lãi, người vay vốn có điều kiện hoàn trả vốn, Ngân hàng CSXH đã phối hợp với các hội, đoàn thể, trung tâm khuyến nông tư vấn cho các đối tượng vay vốn nên tập trung  thực hiện các mô hình kinh tế đã từng mang lại hiệu quả và nên đầu tư sản xuất một số nghề truyền thống đang có triển vọng...

Mặt khác, qua khảo sát, Ngân hàng CSXH nhận thấy, Quảng Ngãi có số hộ nghèo, cận nghèo, hộ thiếu nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn khá lớn. Nguồn vốn chính sách phân bổ cho các chương trình này lại còn thiếu hụt, nên chuyển dòng vốn từ các chương trình mà đối tượng thụ hưởng đã bảo hòa sang cho hộ nghèo và cận nghèo vay khoảng 70 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Nguồn vốn điều chỉnh từ các huyện đồng bằng lên các huyện miền núi khoảng 25 – 30 tỷ đồng để bổ sung vào đối tượng chính sách có nhu cầu vay... Điều này đã khắc phục được tình trạng tỉnh nghèo mà dôi dư vốn chính sách phải trả về cho trung ương như các năm trước.

Cùng với việc cải thiện cho vay, năm 2014, Ngân hàng CSXH đã tăng cường xử lý nợ quá hạn trên cơ sở đối tượng có khả năng trả nợ nhưng “chây ì” thì ngân hàng tham khảo ý kiến của chính quyền cơ sở rồi lập hồ sơ khởi kiện. Còn khách hàng có nợ quá hạn nhưng do hoàn cảnh khó khăn thì khoanh nợ, gia hạn nợ, khuyến khích trả dần.  

Từ những việc làm phù hợp với thực tế nên trong năm 2014 dư nợ  tăng cao, nợ quá hạn giảm đáng kể. Đơn cử như TP. Quảng Ngãi, có thời điểm nợ quá hạn lên đến trên 4%, nhưng nay giảm còn gần 1%; Trà Bồng còn 0,15%, Tây Trà còn 0,2%, các huyện Lý Sơn, Sơn Hà và một số huyện khác không còn nợ quá hạn.  

Đa dạng khách hàng

Nếu như vốn chính sách góp phần khá lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo thì vốn ngân hàng thương mại làm nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy, phát triển kinh tế góp phần tăng trưởng GDP của tỉnh. Trong khó khăn chung, nhiều ngân hàng đã linh hoạt tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm, khách hàng.

Ngoài giữ chân các khách hàng cũ, các ngân hàng tiếp tục khai thác mạnh thị trường nông thôn, các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình. Đặc biệt là cho vay ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, phát triển hậu cần nghề cá…

Ông Nguyễn Trung Hận – Giám đốc Ngân hàng SeAbank Quảng Ngãi khẳng định: “Trong thời buổi này đầu tư nhỏ lẻ rất hiệu quả, ít rủi ro”. Đối với các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank Quảng Ngãi thì bên cạnh điều chỉnh hạ lãi suất để giữ khách hàng cũ, cũng đã có những gói sản phẩm để cho vay khách hàng mới, với thời hạn ngắn, trung và dài, lãi suất bình quân còn 7%/năm. Việc cho vay tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Số dư nợ cho vay ở các lĩnh vực này tăng từ trên 6% đến 8%. Đặc biệt là cho vay hoạt động xuất khẩu với số tiền chỉ trên 850 tỷ đồng, nhưng tăng trên 50% so với cùng kỳ. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi ước tính dư nợ đến cuối tháng 12.2014 lên đến 32.500 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Nợ quá hạn chỉ còn 1,2%.

Ông Trần Luyện – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi  cho biết: “Năm 2015, dự báo chung nền kinh tế còn khó khăn, ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tiện ích của ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao chất  lượng tín dụng phát triển kinh tế tỉnh nhà”.  

“Từ kết quả năm 2014, trong năm 2015, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, các ngành liên quan để triển khai nguồn vốn đến đúng đối tượng, tạo điều kiện cho bà con xóa đói giảm nghèo”, ông Trần Duy Cường- Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Quảng Ngãi khẳng định.

 

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.