Ba Tơ vào vụ đông xuân

02:01, 02/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua tuy thời tiết chuyển biến xấu, nhưng hầu hết nông dân huyện Ba Tơ đã chuẩn bị và sẵn sàng cho việc xuống giống gieo sạ vụ đông xuân 2014 – 2015. Là huyện miền núi có số lượng trâu bò lớn, với khoảng 32.781 con, những năm gần đây, nông dân Ba Tơ đã biết tận dụng nguồn chất thải từ trâu bò để bón lót cho cây lúa để góp phần mang về những mùa vụ bội thu…

TIN LIÊN QUAN

“Tiếp sức” cho lúa bằng phân chuồng

Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Phạm Văn Dích, ngụ xã Ba Thành gieo sạ 5 ang lúa giống. Đây là năm thứ 3 gia đình ông  sử dụng toàn bộ phân trâu được ủ từ nhiều tháng trước để bón lót cho lúa. Nói đến việc dùng phân trâu, ông Dích khề khà: “Bà con mình hết sợ bẩn và mùi hôi của nó rồi. Giờ trồng lúa nhà nào ít trâu bò, hoặc không nuôi, phải đi mua phân trâu bò ở các hộ khác để bón lót. Ngày trước nhà nào nuôi trâu là xung quanh có mùi hôi thối. Bây giờ, mình học được cách ủ phân, phân dự trữ được lâu, dùng bón cho cây trồng và không còn mùi hôi nữa”.

Ngoài nuôi trâu để bán, lấy sức kéo, nông dân Ba Tơ còn biết tận dụng nguồn chất thải để bón lót cho cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế.                                                                                         Ảnh: N.Viên
Ngoài nuôi trâu để bán, lấy sức kéo, nông dân Ba Tơ còn biết tận dụng nguồn chất thải để bón lót cho cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: N.Viên


Theo lời người dân và một số cán bộ địa phương, ngày trước đồng bào Hrê chăn nuôi theo hình thức thả rông, hiệu quả kinh tế không cao. Còn làm chuồng trại, thì nguồn chất thải ứ đọng lại, nhiều bà con không biết xử lý thế nào, gây ô nhiễm. Còn ông Phạm Văn Bưu, ngụ xã Ba Lế cho biết: “Lúc trước phân trâu bò thải ra, mình không biết tận dụng. Với lại cứ nghĩ bụng, trồng lúa nước cũng như lúa rẫy, cứ trồng rồi bỏ đó, đến vụ thì thu hoạch. Không phải bón lót phân chuồng, làm cỏ... gì cả. Giờ thì quen rồi, mình ủ phân chuồng, dành bón lót cho lúa trước khi gieo sạ. Cây lúa phát triển tốt. Nhiều năm nay gia đình mình được mùa”.

Ông Phạm Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Lế cho biết: “Toàn xã có gần 1.000 con trâu bò. Việc bà con biết cách sử dụng chất thải từ trâu bò, mang lại nhiều “lợi kép”. Vừa bảo vệ môi trường, lại tăng hiệu quả kinh tế một cách bền vững…”.

Rộn ràng vào vụ mới

Bước vào vụ đông xuân, những ngày này, đồng bào Hrê Ba Tơ đang hối hả cày bừa, chuẩn bị xuống giống. Vụ mới, mở ra biết bao hy vọng, nhưng cũng không ít lo toan.   

Theo bà Nguyễn Thị Vân – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ba Tơ, việc xuống giống vụ đông xuân năm nay chậm hơn những năm trước. Năm nay lượng mưa tuy ít nhưng lại mưa đúng vào thời điểm sắp xuống giống nên bà con rất lo lắng. Mặt khác, thời tiết lạnh cũng khiến cho độ nảy mầm của giống bị hạn chế. Từ đó, việc ủ giống cũng như chọn những loại giống cho phù hợp với thời vụ cũng rất khó khăn. Tuy thời tiết bất lợi, nhưng hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Ba Tơ đã tìm cách khắc phục và đã chuẩn bị xong các khâu làm đất, ủ giống để tiến hành gieo sạ.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2014 – 2015, toàn huyện Ba Tơ sẽ gieo sạ khoảng 2.576ha lúa. Trước những dự báo khó lường về thời tiết cũng như các điều kiện khách quan về thổ nhưỡng nên vụ đông xuân năm nay nông dân Ba Tơ sử dụng các giống lúa chủ lực có thời gian sinh trưởng ngắn và trung ngày. Mặt khác, nhân viên phòng nông nghiệp huyện cũng hướng dẫn nông dân gieo sạ lúa theo phương pháp tiết kiệm giống, sử dụng các giống lúa xác nhận, chống chịu sâu bệnh tốt, áp dụng quy trình tiên tiến, xây dựng nhiều mô hình và đặc biệt bón lót nhiều phân chuồng trước khi sạ để đạt năng suất cao nhất, giảm chi phí đầu tư.
    

N.Viên-Đ.Diệu
 


.