Nghề của "hậu phương"

10:12, 13/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung tuần tháng 12, thời kỳ cao điểm của mùa vá lưới. Đi khắp các làng chài, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh từng nhóm phụ nữ ngồi vá lưới với đôi bàn tay thoăn thoắt.   

TIN LIÊN QUAN

Nhộn nhịp... vá lưới  

Chị Võ Thị Bé xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), đang vá lưới, bảo: “Dụng cụ hành nghề vá lưới cũng đơn giản, chỉ chiếc kim nhựa, đòn để ngồi, nhưng xem ra cái nghề nhẹ nhàng này đòi hỏi sự cẩn trọng. Nhìn thì chỉ tréo qua, tréo lại đơn giản vậy, nhưng mỗi nút kết nối phải kéo chặt, đều thì điểm giáp mối mới chặt, mới khỏi bung khi rải lưới xuống biển”.
 
 Mùa vá lưới ở các làng chài.                                           Ảnh: N. Viên
Mùa vá lưới ở các làng chài. Ảnh: N. Viên

Từ lâu chị em trong xã Nghĩa An tự nguyện tham gia thành từng nhóm. Mỗi nhóm vài chị em ở hộ gia đình. Có nhóm có đến vài ba chục chị đan vá lưới. Họ nhận vá lưới cho  tất cả các chủ tàu trong xã.

Nhiều chị em cho hay, công việc vá lưới của các chị em làng chài  diễn ra thường ngày, như nông dân làm đồng, làm ruộng. Trước mùa biển, tàu thuyền về bến đông đúc, nhu cầu vá lưới càng  tăng lên.

 Theo các chủ tàu, năm nay lưới  hư hỏng nhiều hơn, bởi tàu đánh bắt khơi xa thường xuyên thay đổi ngư trường. Thường lệ mỗi chủ tàu đều có nhật ký ghi rõ địa điểm, vị trí đánh bắt của mình trong năm. Mùa nào thì đánh bắt điểm này, trời trở gió, nước ngược dòng thì rải lưới điểm kia để thu được lượng cá lớn. Thế nhưng đầu năm nay thì biển mất mùa, giữa năm thì “biển động” nên việc làm ăn của ngư dân gặp khó. Nhiều chủ tàu phải chuyển ngư trường đánh bắt. Đến địa điểm mới chưa quen, có khi gặp dòng nước xoáy, mắc rạn san hô nên lưới rách khá nhiều. Vì vậy mà nhu cầu vá lưới tăng cao...

Hồn cốt của làng chài  

Mỗi chiếc tàu ra khơi đánh bắt có trên chục bạn chài là đàn ông, trai tráng. Cơm áo, gạo tiền nuôi sống gia đình cho con ăn học cơ bản trông chờ vào những chuyến biển. Ra khơi sóng to, gió lớn đầy hiểm nguy bất trắc. Do vậy chị em phụ nữ làng chài ở nhà càng lo chuyện bếp núc, chăm sóc con cái tốt hơn.

 Những năm gần đây thu nhập trên biển thất thường. Phụ nữ làng chài đã ghé vai gánh vác cùng chồng lo chuyện áo cơm. Nhiều chị còn xem nghề vá lưới là nguồn thu chính của gia đình mình. Chị Lê Thị Cúc ở thôn Kỳ Bắc xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi), chồng mất sớm một mình lo cho ba con nhỏ, chị phải xoay đủ việc để mưu sinh. Mùa vá lưới về chị càng tất bật hơn. Chị Cúc tâm sự: “Việc không nhọc lắm, nhưng ngồi suốt ngày ê ẩm cả người mà không dám nghỉ. Tết nhất đến nơi, sắm sửa chi tiêu trong nhà tăng lên nên có việc là làm ngày làm đêm”.

Ở xã Nghĩa An số lượng tàu thuyền khá lớn. Sau các phiên biển, nhiều tàu mang về từ 10 – 15 tấm lưới bị hỏng, phải nhờ đến đôi tay của các chị khâu lại. Công việc quần quật nhưng với nghề này, ngày công của các chị chỉ kiếm được từ 100.000 – 120.000 đồng. “Tuy thu nhập không nhiều, nhưng mình đã hứa thì phải  giao đúng hẹn cho chủ tàu. Nhờ cái nghề phụ này mà đã lấp đầy bao chuyến biển chồng trở về tay không, giảm áp lực kiếm tiền trên biển cho chồng khá nhiều”, chị Khoắn, một người đan lưới cho hay.

 Chuyện vá lưới ở các xã ven biển ban đầu là việc của từng gia đình. Nhưng trước sự phát triển của nghề biển, chị em phụ nữ ở các làng chài cũng thành lập các tổ, nhóm để vá lưới cho các chủ tàu, các cơ sở vá lưới. Từng sợi cước vá lưới, từng đôi tay thoăn thoắt của các chị em ở phía “hậu phương” sẽ giúp những chuyến tàu ra khơi trở về nặng cá, tôm và lâu dần cũng thành hồn cốt của làng chài.                               
 
MAI HẠ
 

.