Mùa "làm nước" cho tàu cá: Vật liệu nhiều, chất liệu mới

01:12, 11/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau mỗi mùa đánh bắt, chủ nhân của những chiếc tàu cá lại đưa tàu lên các triền đà của các cơ sở sửa chữa tàu thuyền để tu sửa, nâng cấp (hay còn gọi là làm nước). Thời gian “làm nước” thường kéo dài cả tháng, tốn kém từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Thị trường vật liệu làm mới tàu vì thế lại trở nên sôi động.

TIN LIÊN QUAN

Thường việc “làm nước” trải qua rất nhiều công đoạn từ cạo hàu, gột rửa, vá dặm những chỗ hư hỏng; sơn lại vỏ tàu, làm lại hầm cá, thay ván nền tàu… Trước đây, tất cả các vật liệu này đều được sử dụng mặt hàng truyền thống như  dùng  gỗ và sơn chịu nước để thực hiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với sự phát triển của ngành vật liệu công nghiệp  đã có nhiều chất liệu mới ra đời, giúp việc sửa chữa tàu cá đẹp và bền hơn.

Tu sửa, nâng cấp tàu cá ở HTX Viễn Đông- Sa Huỳnh (Đức Phổ).                                             Ảnh: PV
Tu sửa, nâng cấp tàu cá ở HTX Viễn Đông- Sa Huỳnh (Đức Phổ). Ảnh: PV


Chủ đại lý cung ứng vật liệu nhựa dẻo dùng lát nền và làm cửa hầm cá Hồng Chương (TP.Quảng Ngãi) cho biết: Tấm nhựa dẻo dùng để lát nền nhẹ và bền hơn so với vật liệu truyền thống là gỗ. Giá thành cũng khá mềm, chỉ khoảng 500 đến 800 nghìn đồng/mét tới. Hiện nay nhà sản xuất đang có chương trình khuyến mãi nên khi mua khách hàng còn được bảo hành và giao hàng tận nơi. Điểm linh hoạt ở vật liệu này là nhẹ, dễ tháo gỡ, dịch chuyển và có thể cắt, gọt để lắp ghép đan xen, tạo sự đồng bộ với những phần trên con tàu có nhiều phần sử dụng vật liệu gỗ truyền thống.

Đối với các loại sơn đặc dụng cho việc sơn tàu cá, các nhà sản xuất cũng tính toán thêm chất phụ gia đảm bảo chống thấm tốt hơn, ít bong tróc, góp phần bảo vệ thân tàu vỏ gỗ vốn chịu sự bào mòn rất lớn của nước biển. Hầu hết các sản phẩm sơn nước giá cả vẫn ổn định, từ 290 nghìn đến 1,2 triệu đồng/thùng, tùy trọng lượng. Độ bền của con tàu phụ thuộc khá lớn vào việc sử dụng vật liệu gỗ và sơn chất lượng.

Mặc dù vật liệu nhiều, chất liệu truyền thống và hiện đại đều có, nhưng  các chủ cơ sở đóng sửa tàu thuyền đều khẳng định rằng, độ bền của vật liệu phần lớn là do con người quyết định. Cụ thể là người thực hiện công đoạn sơn sửa, đóng tàu và người sử dụng con tàu phải đúng quy cách, công năng, kỹ thuật... Vì thế, các chủ tàu thường chọn những cơ sở sửa chữa tàu cá uy tín để “làm nước”. Công thợ lành nghề ở đây có thể lên đến 300 nghìn đến  600 nghìn đồng/người/ngày. Nhưng vì làm ăn nơi đầu sóng ngọn gió, để đảm bảo an toàn,  nên các chủ tàu không ngại chọn, thuê những thợ giỏi nghề để sửa chữa tàu của mình.

Quảng Ngãi hiện nay có khoảng 7 cơ sở đóng sửa tàu cá. Các cơ sở này đều thực hiện dịch vụ gia công đóng, sửa bằng phương pháp truyền thống. Sự tỉ mẩn, cộng với những tinh tường của nghề nghiệp, họ là nơi tin cậy của những ngư dân. Chính họ đã góp phần làm cho những chuyến vươn khơi bám biển dài ngày của hàng chục ngàn ngư dân Quảng Ngãi an toàn, hiệu quả. Và thực sự họ chính là người làm cho vật liệu, chất liệu của ngành đóng tàu khẳng định thương hiệu chất lượng trong lòng ngư dân, tạo sức lan tỏa “hàng Việt” trên vùng biển quê hương Việt Nam.
            

  THANH NHỊ
 


.