Lận đận tranh thêu truyền thống

02:12, 17/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lá đơn xin giải thể đã bao lần suýt được Giám đốc HTX thêu nghệ thuật Trường Xuân – HTX thêu duy nhất của tỉnh gửi đến cơ quan có thẩm quyền để kết thúc số phận của HTX này. Song vì yêu nghề, trách nhiệm với những con người đã gắn bó với công việc cùng mình, chị lại cố sức vượt qua…

Nằm ở mặt tiền một con phố-số 54 đường Trương Định, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), nhưng HTX thêu nghệ thuật Trường Xuân hiếm khi được đón sự nhộn nhịp của khách hàng. Ở đó dường như chỉ có sự cần mẫn sáng tạo của những người thợ thêu và những bức tranh đã hoàn tất mỗi ngày thêm nhiều khiến cái trụ sở HTX vốn đã cũ kỹ lại càng chật chội...

Miệt mài thêu, rong ruổi bán hàng

Đứng chân trên một địa điểm vốn ngày xưa có nghề thêu nổi tiếng, HTX thêu nghệ thuật Trường Xuân khi mới thành lập đã nuôi bao kỳ vọng về sự vươn xa của nghề truyền thống này. Giám đốc HTX này là chị Huỳnh Thị Thanh Dung bảo rằng:  “Xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm việc làm cho phụ nữ địa phương, chúng tôi đã quyết định đi học nghề, đào tạo lại nghề và gầy dựng nên HTX này. Những năm đầu, tranh làm ra bán cũng dễ nhưng dần dần đã khó khăn hơn nhiều. 15 thợ thêu ở đây sản xuất, còn tôi phải bôn ba đi khắp nơi để ký gởi bán tranh. Khi thì lên Tây Nguyên, lúc lại ra Quảng Nam, Đà Nẵng, vào TP Hồ Chí Minh... Siêng đi thì bán cũng được, đủ trả lương, đóng tiền điện, nước. Khi ế thì tất cả đều phải đồng cam cộng khổ với nhau chứ biết làm sao được!”.

Em Nguyễn Thanh Xuân miệt mài sáng tạo tranh thêu.
Em Nguyễn Thanh Xuân miệt mài sáng tạo tranh thêu.


Đến thăm HTX thêu nghệ thuật Trường Xuân vào một chiều đông khi cơn mưa vừa dứt. Nước mưa cứ mấp mé muốn tràn vào phòng. Những bức tranh thêu xong được “ưu tiên” gác lên những chỗ cao hơn nhưng không ít bức đã bị mốc vì bị nước mưa ngấm vào. “Biết là chốn làm tranh, bán tranh thêu phải sáng sủa thì mới hút được khách nhưng sức của HTX chỉ có thể dặm vá, chưa làm nổi sự khang trang xứng tầm”, chị Dung - Giám đốc HTX tâm sự. Chị Dung ước lượng chắc số tranh tồn đọng tổng giá trị phải lên đến 300 triệu đồng.  “Vốn đầu tư sản xuất tranh không cao, nhưng công thì tốn lắm. Hàng tồn nhiều, thu nhập của thợ thêu cũng sụt giảm theo” – chị Dung cho hay. Hiện tại lương thợ thêu tranh cao nhất chỉ khoảng 1,8 triệu đồng/tháng. Còn làm giã gạo thì chỉ độ non triệu đồng.

Nghe câu chuyện của chị Dung thật xót lòng. Song nhìn cái cảnh miệt mài thêu tranh của những người thợ với từng đường kim mũi chỉ như có lửa đam mê trong ấy mới thấy vui, mới thấu cái “say”  nghề của họ.

Tranh làm ra chưa bán kịp nhưng họ vẫn không ngừng sáng tạo, không ngừng lao động. Với 15 thợ lành nghề, trong đó có tới 5 cô thợ khuyết tật. Như thể trời bù đắp, 5 cô thợ trẻ bị câm bẩm sinh này không nói được nhưng có đầu óc thẩm mỹ và đôi tay khéo léo lạ thường. Bước đến cạnh giá thêu của em Nguyễn Thanh Xuân – bị câm điếc từ nhỏ, nhìn đôi tay và bức tranh tuấn mã mà em sắp hoàn thành, tôi khâm phục em thật sự. Lương bấp bênh nhưng ngày nào cũng vậy cứ sáng sớm là em lại trên chiếc xe đạp điện mà các chị em trong HTX tích cóp mua tặng vượt 5km từ Tư Nghĩa ra đây để làm việc. Mưa cũng như nắng, chẳng vắng buổi nào.

Vào HTX này mỗi chị em một hoàn cảnh, nhưng họ có chung một niềm đam mê thêu tranh. Vì thế, Giám đốc HTX thêu nghệ thuật Trường Xuân Huỳnh Thị Thanh Dung không nỡ lòng nào lại “cắt” mất niềm đam mê ấy. Và lá đơn xin giải thể HTX kia dù chị đã soạn ra đã bao năm mà cứ mãi chưa được in ra…

Cùng tạo nên sắc màu ấm áp…

Nghề thêu tranh đến với Giám đốc HTX thêu nghệ thuật Trường Xuân một cách rất tình cờ. Xuất thân từ một cán bộ phụ nữ phường, chị được giao nhiệm vụ tìm kiếm một việc gì giúp phụ nữ nông nhàn có việc làm, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Ở vùng đất vốn có nghề thêu, chị Dung tự tin đi học thêu và tìm sự giúp đỡ để thành lập HTX thêu nghệ thuật Trường Xuân. Ban đầu chỉ nhận làm gia công thêu đơn giản, sau đó chị mạnh dạn nghiên cứu, rồi sáng tác tranh để thêu bán. Không phải là họa sĩ, vất vả lắm mới có thể “nặn” ra nổi một bức tranh đẹp. Bức tranh thêu đệ nhất cảnh của Quảng Ngãi “Núi Ấn – sông Trà” từ khối óc, bàn tay của chị và những người thợ, đã mang về nguồn thu nhập khá ổn định cho HTX trong suốt một thời gian dài. Song để có bức tranh thêu như ý, chị và các cộng sự đã phải thêu rồi cắt bỏ đến 5 – 7 lần mới  hoàn thành được một tác phẩm thêu có hồn.

Chị Dung đưa cho tôi xem một đống bản thảo sáng tác về phong cảnh Lý Sơn – hòn đảo tiền tiêu thu hút sự quan tâm của cả nước, rồi bày tỏ lòng mình: “Mọi người hướng về biển đảo, chúng tôi muốn sáng tác một bức tranh thêu nghệ thuật để làm quà tặng cho những ai yêu mến Lý Sơn. Thế mà cả tháng nay, suy nghĩ, viết, vẽ mãi vẫn chưa ưng ý. Nhất định tôi sẽ sáng tác để có thể cho ra đời một bức tranh thêu về biển đảo Lý Sơn. Mọi người yêu mến Lý Sơn chắc chắn sẽ ủng hộ sản phẩm này của HTX”.

Chị Dung cũng nhận định rằng sở dĩ sản phẩm tranh thêu của HTX chưa được quan tâm có thể là do tay nghề chưa cao và hoạt động xúc tiến chưa thỏa đáng. Mới đây, chị Dung được đưa sang Thái Lan để học tập phát triển xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chị bảo học được rồi nhưng chưa có kinh phí để tổ chức thực hiện. “Tôi vẫn khát khao với công việc sáng tác tranh thêu và đau đáu đưa HTX phát triển đi lên. Tôi mong được quan tâm hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ và đào tạo nâng cao tay nghề” – chị Dung tâm sự.         

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.