Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể: Những chuyển biến quan trọng

10:12, 02/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quá trình “đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) Quảng Ngãi đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, cần tiếp tục đổi mới, để kinh tế tập thể xứng tầm là mũi nhọn, chủ lực trong nền kinh tế quốc dân.

TIN LIÊN QUAN

Đổi mới hoạt động hợp tác xã

Quảng Ngãi là một trong số ít địa phương trong cả nước đã phê duyệt và đưa vào thực hiện Đề án củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến 2020; quy định cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng và phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ. Đây  là hành lang pháp lý quan trọng, tạo thuận lợi để Liên minh HTX tỉnh tổ chức thực hiện đổi mới, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nói chung, HTX đánh bắt xa bờ nói riêng.

Tàu thuyền Tổ đội đánh bắt xa bờ ở huyện Lý Sơn vươn khơi.
Tàu thuyền Tổ đội đánh bắt xa bờ ở huyện Lý Sơn vươn khơi.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, thực hiện chính sách đổi mới, củng cố và phát triển kinh tế tập thể, số lượng HTX khá, giỏi trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, cao nhất là từ năm 2013 đến nay. Cuối năm 2013, toàn tỉnh có 269 HTX, trong đó có 110 HTX khá, giỏi, 65 HTX yếu kém và 94 HTX trung bình. Năm 2014 đã giảm được 8 HTX do củng cố, sáp nhập, giải thể; đồng thời phát triển thêm 2 HTX với các loại hình dịch vụ kinh doanh mới, đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Như vậy, hiện tại tỉnh ta có 263 HTX, trong đó HTX khá, giỏi tăng lên 44%; HTX yếu kém giảm từ 35% xuống còn 22% với 58 HTX.

Loại hình hoạt động của HTX cũng được xây dựng theo hình thức liên danh, chuyên canh, chuyên ngành như HTX chuyên canh mía, chuyên canh mì, HTX nấm… đã tạo sự liên kết, tăng cường nội lực để có thể đứng vững trong tình hình kinh tế hiện nay.

Trước tình hình đòi hỏi phải liên kết trong hoạt động đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong 2 năm qua Quảng Ngãi đã thành lập mới 6 HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ.

Ông Lê Hạnh – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhận định: “Các HTX trong tỉnh đã củng cố, duy trì, phát triển các dịch vụ khá ổn định, hỗ trợ thiết thực cho nhu cầu kinh tế hộ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, chung sức xây dựng nông thôn mới, bảo vệ chủ quyền biển đảo” của Tổ quốc. Hiện nay, Quảng Ngãi đã có 25 HTX điển hình tiên tiến, trong đó có nhiều HTX đã trở thành điển hình của cả nước, như HTX vận tải Thống Nhất, HTX đánh bắt xa bờ Cổ Lũy…

Phát triển tổ đội đoàn kết, quỹ tín dụng nhân dân

Đối với lĩnh vực tổ hợp tác – một loại hình quan trọng khác của kinh tế tập thể, Quảng Ngãi cũng đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo củng cố và thực tế đã tạo chỗ dựa cho người dân phát triển kinh tế gia đình. Toàn tỉnh hiện có 364 tổ hợp tác, gồm tổ  đoàn kết khai thác hải sản; tổ hợp tác khoa học kỹ thuật – chia sẻ kinh nghiệm; tổ HTX vay vốn, trồng rừng, dịch vụ nấu ăn... Các tổ hợp tác này có nhiều điểm mạnh như tổ chức gọn nhẹ, hoạt động linh hoạt, đem lại hiệu quả cao cho các thành viên. Đặc biệt, gần 300 tổ hợp tác đoàn kết khai thác hải sản trên biển hình thành trong thời gian gần đây đã phát huy tác dụng, nhất là phát huy tinh thần đoàn kết vươn khơi, hạn chế rủi ro trên biển.

Ngoài ra, tỉnh cũng thành lập các quỹ tín dụng nhân dân, với tổng vốn 150 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu vay đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp của 8.000 hộ dân. Các quỹ tín dụng này ngày càng hoạt động hiệu quả; việc huy động vốn, quản lý, sử dụng quỹ đảm bảo quy định của pháp luật; giải quyết cho vay nhanh gọn, hạn chế tình trạng vay nặng lãi ở nông thôn.

Cần những “cú huých” mạnh hơn

Liên minh HTX tỉnh trong những năm gần đây luôn đứng bên cạnh các HTX, tổ đội đoàn kết hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức này hoạt động kinh doanh. Liên minh đã tạo cầu nối chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật; xúc tiến thương mại, định hướng tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, quảng bá sản phẩm.

Hai năm qua, Liên minh HTX tỉnh còn đẩy mạnh các quan hệ hợp tác quốc tế để tạo cơ hội phát triển kinh tế HTX trong tỉnh như xúc tiến thương mại tại Hội chợ Nông nghiệp Hàn Quốc; kêu gọi Hiệp hội trồng rừng Phần Lan triển khai dự án về nâng cao năng lực trồng rừng, xây dựng vườn ươm, cấp chứng chỉ rừng cho HTX; dự án Việt – Thái – Đức về nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ HTX tại HTX Hành Dũng, Bình Thanh Đông, Trường Xuân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của nhiều HTX trong tỉnh còn hạn chế, nhất là quy mô HTX nhỏ lẻ, thiếu vốn, dịch vụ đơn điệu, hoạt động manh mún, liên kết chưa bền vững. Trình độ cán bộ HTX chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến lúng túng trong điều hành… Việc thực hiện chính sách đối với HTX chưa rõ nét, chưa thực sự tạo điều kiện để HTX phát triển đúng với tiềm năng hiện có, nhất là chính sách tín dụng, đất đai còn rất nhiều khó khăn.

Ông Lê Hạnh – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nêu định hướng: “Trong thời gian tới, Liên minh HTX sẽ tiếp tục khuyến khích thành lập HTX, tổ hợp tác; tăng cường sự liên kết với các trang trại, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển mô hình HTX kiểu mới, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới để cải thiện đời sống người dân”.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.