Bài 2: Dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông thôn- Hướng đi xóa đói giảm nghèo

01:12, 05/12/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Do hiệu quả giá trị sản xuất nông nghiệp không cao nên tình trạng lao động nông thôn bỏ ruộng đi vào các tỉnh thành phía Nam để mưu sinh khá phổ biến. Chính vì vậy, đào tạo nghề, giải quyết việc cho lao động nông thôn đang là hướng đi hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo hiện nay.
 
Theo thống kê, hiện tổng số người trong độ tuổi lao động ở Quảng Ngãi là khoảng 746.000 người, chiếm hơn  61% dân số, trong đó số lao động ở khu vực nông thôn chiếm gần 80%. Lực lượng lao động nông thôn chiếm số lượng khá lớn, song do hiệu quả giá trị sản xuất nông nghiệp không cao nên ngày hàng năm tình trạng lao động nông thôn rời quê đi tìm việc làm ở các khu đô thị rất lớn.
 
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Đào tạo nghề kỹ thuật cho lao động nông thôn
 
Tuy nhiên một thực tế cho thấy, chất lượng lao động chưa cao, kèm với đó nguồn thu nhập cũng không được cải thiện đáng kể, đó là chưa kể số lượng lao động mất việc do tay nghề kém, ý thức lao động chưa cao. Hậu quả cắt giảm nhân công tại các khu vực công nghiệp và dịch vụ đã đẩy số lớn lao động trở về khu vực nông thôn; từ đó làm chậm lại quá trình chuyển dịch lao động, đồng thời tạo thêm sức ép cho khu vực nông thôn vốn thiếu việc làm. 
 
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. 
 
Ông Nguyễn Duy Nhân- Giám đốc Sở LĐTB&XH Quảng Ngãi cho biết, trước đây việc đào tạo cho lao động nông thôn cũng được chú trọng, tuy nhiên sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 thì các cấp, các ngành đã vào cuộc quyết liệt hơn.
 
Việc đào tạo cho lao động nông thôn ở đây cần phải xác định đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm, phải có địa chỉ. Chính vì vậy mà  việc tổ chức điều tra, khảo sát để nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động thực tế của các doanh nghiệp là hết sức cần thiết và chính xác.
 
Các mô hình nghề truyền thống cũng góp phần đáng kể torng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề.
Các mô hình dạy nghề truyền thống cũng góp phần đáng kể trong  giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề.
 
Ngoài ra, phải căn cứ tình hình, định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương, nhất là chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nghề phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động.
 
Từ năm 2000 đến nay, đã có trên 74.648 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó có 31.717 lao động được hỗ trợ học nghề theo đề án 1956. Trong đó, số lao động nông thôn học các ngành nghề phi nông nghiệp chiếm trên 70%, còn lại là nghề nông nghiệp. Điều đáng nói là tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo chiếm tới 88%. Riêng trong năm 2014 này, có trên 17.900 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó có 7.838 người học nghề xong và đã có trên 7.200 lao động có việc làm.
 
Trong những năm qua, các cấp các ngành như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên phối hợp với Sở LĐ_TB&XH đã triển kuai rất nhiều lớp đào tạo nghề cho nông thôn, đặc biệt là nhiều mô hình phát triển kinh tế nông thôn mang lại hiệu quả cao.
 
Trong đó phải kể đến các mô hình mang lại hiệu quả cao như mô hình dạy nghề may công nghiệp cho gần 4.000 phụ nữ nông thôn, vùng bị thu hồi đất, lao động miền núi. Kết quả sau khi đào tạo đã có trên 3.800 lao động sau học nghề có việc làm ổn định, một số lao động đã đi xuất khẩu với mức lượng từ 15-20 triệu đồng/tháng.
 
Công nhân lao đôtng tại các nhà máy xí nghiệp
Hơn 70% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp.
 
Mô hình cho lao động vùng chuyên canh, vùng trồng rau an toàn, trồng nấm, mô hình dạy nghề thú y, mô hình kỹ thuật xây dựng, rồi mô hình dạy nghề thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân, nghề thủ công truyền thống, mô hình dạy nghề chế biến món ăn… Các nông dân sau khi tốt nghiệp các lớp học này trở về địa phương đã phát huy được hiệu quả, tự phát triển kinh tế gia đình. Nhiều nông dân đã phát triển, mở rộng sản xuất cho thu nhập không dưới 20 triệu đồng/tháng, mà còn góp phần giải quyết nhiều việc làm và nhân rộng mô hình ra khắp các địa phương.
 
Có thể nói, công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian qua bước đầu đã mang lại kết quả, tuy nhiên hiện nay chất lượng lao động qua đào tạo ở nông thôn chưa cao, phần lớn là lao động nông thôn. Vẫn còn không ít lao động sau khi học nghề chưa có việc làm bởi ngành nghề không phù hợp.
 
Mới đây, tại các buổi làm việc với các địa phương, đồng chí Lê Viết Chữ- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ chính trị đòi hỏi các cấp các ngành phải cùng nhau vào cuộc. Tuy nhiên đào tạo ngành nghề như thế nào thì phải tính. Nghĩa là đào tạo phải có địa chỉ, phải phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền. 
 
Trong đó chú trọng đến phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao và ổn định. Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn không nhất thiết phải là làm trong cơ quan, doanh nghiệp mà người lao động có thể phát triển kinh tế tại gia đình. Bên cạnh đó, các địa phương có dự án phát triển công nghiệp thì cũng cần tính đến phương án đào tạo cho lao động có tay nghề và phù hợp với các ngành nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu.
 
Đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Quảng Ngãi trong thời gian qua đang đi đúng hướng, mặc dù vẫn còn một số bất cập song đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong chuyển dịch lao động, góp phần trong xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 
 

.